Doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có 'hợp đồng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu'?

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có liên kết xây dựng vùng nguyên liệu? Ảnh: Trung Chánh

Danh sách mới nhất được Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố vào ngày 18-10-2023 cho thấy, cả nước có 170 thương nhân được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Số lượng thương nhân được cấp phép này đã đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu của ngành lúa gạo khi đạt 7,1 triệu tấn, với trị giá 3,95 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2023, tăng 15,6% về lượng và 34% về trị giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu nghị định sửa đổi nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Phải có hợp đồng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu?

Về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, điều 4 của Nghị định 107 đang có hiệu lực quy định (1) thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau: (a) có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa lúa (thóc) gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa lúa gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; (b) có ít nhất 1 cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến lúa gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

(2) kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại khoản (1) điều này có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Thương nhân có giấy chứng nhận không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp giấy chứng nhận.

(3) thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm a, b khoản 1, khoản 2 của điều này, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông quy định tại điều 12 (dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó- PV) và có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại khoản 2 điều 24 nghị định này.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn theo quy định tại điểm đ khoản 2, khoản 3 điều 22 nghị định này.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng nghị định sửa đổi nghị định 107 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Liên quan việc này, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao.

Chính vì vậy, theo bà Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kiến nghị với Bộ Công Thương về việc bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có hợp đồng liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu.

Phân tích vấn đề, bà Bình cho rằng điều kiện nêu trên có thể làm tăng chi phí cho cho doanh nghiệp, cho nên, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu, xem xét, đánh giá lợi ích hàng hóa giữa doanh nghiệp và người trồng lúa cũng như cơ quan quản lý để nhận định xem có khả năng đưa vào hay không.

“Xây dựng cơ chế có hiệu quả hay không, thì doanh nghiệp sẽ là người chịu tác động lớn nhất”, bà Bình nêu quan điểm và kêu gọi doanh nghiệp có nghiên cứu, báo cáo lại đơn vị này về việc có nên hay không bổ sung điều kiện nêu trên vào trong điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Một nội dung quan trọng khác của việc sửa đổi nghị định 107, đó là sẽ tăng việc chế tài để giúp doanh nghiệp hoạt động thực sự, tập trung vào ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo có cạnh tranh công bằng hơn so với những doanh nghiệp từ trước đến nay cũng kinh doanh gạo, nhưng chưa thực chất hay nói cách khác “làm gạo nhưng vẫn có những hoạt động phục vụ cho những mặt hàng kinh doanh khác”. “Chính vì thế, Bộ Công Thương sẽ “siết” chặt việc chế tài các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong thời gian tới”, bà Bình cho biết.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn chấp nhận mua qua thương lái thay vì đầu tư vùng nguyên liệu. Ảnh: Trung Chánh

Doanh nghiệp gạo nói gì?

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV khi trao đổi với KTSG Online cho rằng, điều này có hai mặt, trong đó, thứ nhất sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. “Đây là điều doanh nghiệp nào cũng mong muốn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông, ở khía cạnh ngược lại, việc thực hiện các hợp đồng liên kết rất khó khăn vì thường xuyên xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng. “Giá lúa lên, thì nông dân tha hồ bán ra cho thương lái, nhưng lúa giảm doanh nghiệp phải lấy hết. Đây là điều bất cập mà chính quyền địa phương, các ngành, các cấp chưa thể can thiệp được để giải quyết”, ông cho biết.

Thực tế, theo tìm hiểu của KTSG Online, cũng có không ít trường hợp chính doanh nghiệp là phía “bẻ kèo” khi gặp bất lợi.

Theo ông Thành, việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu khiến chi phí giá thành lúa gạo của doanh nghiệp tăng cao, khó để cạnh tranh xuất khẩu. Bởi lẽ, thứ nhất, doanh nghiệp phải đầu tư con người để ra đồng hướng dẫn sản xuất, thu mua sản phẩm; thứ hai, doanh nghiệp phải đầu tư thêm chi phí ngay đầu vụ sản xuất cho bà con nông dân, khoảng 5 triệu đồng/héc ta, trong khi đây là tiền vay nên doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi khá lớn.

Chính vì bài toán cạnh tranh trong kinh doanh, nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn chọn phương thức thu mua qua thương lái hoặc đơn vị chuyên cung ứng hàng xuất khẩu để tiết kiệm được chi phí.

Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp có mảng kinh doanh vật tư nông nghiệp lại “chuộng” liên kết hơn so với doanh nghiệp chỉ đơn thuần kinh doanh gạo, ông Thành cho rằng, đối với những doanh nghiệp dạng này, việc họ chủ động liên kết cũng nhằm mục đích cung cấp đầu vào (giống, phân, thuốc) để tận dụng nguồn nhân lực (bao gồm cả con người) nhằm tối đa hóa lợi nhuận. “Doanh nghiệp không có mảng kinh doanh đầu vào cũng liên kết được, nhưng vấn đề cần giải quyết là làm sao không đẩy giá thành lên cao để giúp sản phẩm có sức cạnh tranh”, ông một lần nữa nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phát Tài cho biết, về nguyên tắc khi liên kết với hợp tác xã sẽ giúp doanh giảm bớt được các không trung gian. Thế nhưng, đơn vị này chấp mua qua trung gian để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu vì dễ dàng thực hiện. “Có hợp đồng xuất khẩu, tôi cho thời hạn 5-7 ngày để gom mua lúa gạo vô, ai đem tới trước, thì tôi nhận hàng, đưa tiền vậy thôi”, ông nói.

Về nguyên nhân khiến đơn vị này không thực hiện liên kết sản xuất, theo ông Long, nông dân dân/hợp tác xã thường xuyên “bẻ kèo”, trong khi không có chế tài nào về việc này. “Lúc giá lúa giảm, thì họ (ý nói nông dân- PV) tiếp đãi mình nồng hậu, lúa trúng mùa. Thế nhưng, khi giá lên cao, thì lúa lại mất mùa hoặc “bẻ kèo” bán ra bên ngoài luôn”, ông nói và cho rằng, Phát Tài từng 2-3 lần bị trường hợp này nên rất sợ liên kết.

Theo ông Long, muốn liên kết thành công, “cuộc chơi” này phải công bằng, tức cả phía doanh nghiệp và người nông dân đều phải ký quỹ tại ngân hàng nhằm đảm bảo thực hiện cam kết giữa hai bên. “Nông dân/hợp tác xã muốn chốt giá bán đầu vụ, giữa vụ hay trước thu hoạch 10 ngày đều được, nhưng bắt buộc phải ký quỹ tại ngân hàng”, ông cho biết và giải thích, tiền ký quỹ này sẽ thuộc về bên kia nếu bên còn lại không thực hiện đúng cam kết.

Vị giám đốc doanh nghiệp Phát Tài cho biết, nếu cơ chế nêu trên được triển khai, thì đơn vị này sẵn sàng thực hiện. “Còn số lượng liên kết bao nhiêu, thì chúng tôi sẽ căn cứ trên khả năng xuất khẩu của mình”, ông cho biết.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp (Top 10) xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (đề nghị không nêu tên) khi trao đổi với KTSG Online cũng cho biết, mấu chốt của việc doanh nghiệp không dám chọn cách “liên kết, bao tiêu” vì chi phí đội quá cao và tranh chấp không được luật pháp giải quyết.

Cụ thể, xét về mặt trình độ và nhận thức, theo doanh nhân này, độ cam kết có sự chênh lệch lớn giữa công ty xuất khẩu gạo (am tường ngoại thương, kinh doanh và luật quốc tế) và nông dân, hợp tác xã. Cho nên, hai chủ thể này khó làm ăn chung, quan hệ kinh tế đứt gãy nhanh chóng, trong khi hành lang pháp lý, chế tài chưa giúp gì như thực tế đã diễn ra.

Nhà xuất khẩu gạo nêu trên cho biết, cách thức liên kết có thể phù hợp đối với doanh nghiệp chọn thị trường ngách (EU hay Mỹ), với số lượng rất nhỏ, nghĩa là các doanh nghiệp nằm ngoài Top 20 về xuất khẩu gạo ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp có mảng cung ứng vật tư đầu vào vì có sẵn bộ máy và lợi nhuận từ mảng này. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp lớn đi theo điều kiện về liên kết, cần tới 100.000-200.000 héc ta mới đủ lượng hàng xuất khẩu. Nhưng để nuôi một bộ máy cho các công đoạn thăm đồng, sấy, kiểm soát chất lượng trên diện tích nêu trên sẽ cần một chi phí rất lớn, chưa kể đến yếu tố hệ thống quá tải khi vào mùa vụ lúa chín rộ phải thực hiện sấy nhanh, đội giá thành sản xuất làm cho doanh nghiệp thua lỗ lớn.

Trung Chánh