Ukraine tin có thể phát triển ICBM chỉ trong 1 năm

Tuyên bố được ông Oleg Zhdanov đưa ra trong cuộc trò chuyện trên Kênh truyền hình Ukraine 24, không nên đánh giá thấp các hệ thống như tên lửa siêu thanh Zircon và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat.

"Nếu Nga chế tạo tên lửa Zircon, nó sẽ là một vũ khí cực mạnh, đây là một vũ khí siêu thanh. Hiện trên thế giới chỉ Mỹ, Israel, Anh và Nhật Bản có biện pháp chống lại các loại vũ khí như vậy của Nga", ông Zhdanov nói.

Giếng phóng tên lửa ICBM cuối cùng Ukraine đã tự phá.

Dù không thể phát triển những vũ khí tương tự Nga nhưng theo vị đại tá này, Ukraine có thể phát triển tên lửa ICBM để tạo thế đối trọng. "Ukraine có tiềm năng chế tạo tên lửa ICBM, và nếu được quân đội nước này đặt hàng, chúng có thể được phát triển trong vòng một năm là hoàn thiện", ông Zhdanov khẳng định.

Vậy câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra lúc này là Ukraine có năng lực tái phát triển vũ khí hạt nhân hay không?

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Kiev được thừa hưởng một số lượng vũ khí hạt nhân và nền tảng triển khai đáng kể bao gồm 1.700 đầu đạn hạt nhân, 176 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (130 ICBM SS-19 và 46 ICBM SS-24) và 44 oanh tạc cơ chiến lược Tu-22.

Theo Bản ghi nhớ Budapest được ký kết vào năm 1994, Ukraine đã từng bước loại bỏ số vũ khí và nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân nói trên và tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT hoặc NNPT) và nhận được sự bảo vệ của 3 cường quốc hạt nhân là Nga, Mỹ và Anh.

Ukraine đã chuyển giao 40 đầu đạn hạt nhân cuối cùng của mình cho Nga vào tháng 6/1996 và đây là thời điểm họ chính thức mất tư cách cường quốc hạt nhân. Với việc hầm chứa tên lửa SS-24 cuối cùng gần thị trấn Pervomaysk của Ukraine bị phá hủy vào ngày 30/10/2001, toàn bộ 46 hầm chứa ICBM của Ukraine đã bị vô hiệu hóa.

Vào ngày 27/1/2006, chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22M3 Backfire cuối cùng đã được các chuyên gia Ukraine tháo dỡ ngoài thành phố Poltava. Song song với quá trình này, 423 tên lửa hành trình phóng từ trên không X-22 của Ukraine cũng đã được phá hủy.

Đến năm 2010, cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych tuyên bố rằng nước này sẽ loại bỏ tất cả nguyên liệu HEU (Uranium được làm giàu cao) trong vòng 2 năm. Tới tháng 3/2012, Bộ Ngoại giao Ukraine xác nhận rằng tất cả HEU đã được chuyển giao cho Nga.

Tất cả các lò phản ứng RBMK của Ukraine (loại liên quan đến thảm họa Chernobyl năm 1986) đều được đặt tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Và tất nhiên hiện toàn bộ đã ngừng hoạt động. Tổng cộng 13 lò phản ứng VVER-1000 và 2 lò phản ứng VVER-440 được vận hành bởi công ty điện hạt nhân nhà nước Energoatom.

Cần nhấn mạnh rằng các lò phản ứng hiện tại của Ukraine đều sử dụng nhiên liệu là LEU (Uranium làm giàu thấp). Về các cơ sở nghiên cứu hạt nhân, hiện Ukraine chỉ còn sở hữu 2 lò phản ứng phục vụ mục đích khoa học ở Kiev và Kharkov.

Theo bài viết được đăng tải trên trang Nuclear Engineering International vào năm 2018, Tập đoàn Điện lực Westinghouse của Mỹ đã ký hợp đồng với đối tác Energoatom để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng VVER ở Ukraine từ năm 2020 đến năm 2025.

Trước năm 2014, Ukraine nhận được hầu hết các hỗ trợ và nhiên liệu hạt nhân từ Nga (Công ty Nhiên liệu TVEL), nhưng kể từ khi chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền, họ đã giảm bớt sự phụ thuộc này bằng cách mua thêm nhiên liệu từ Westinghouse.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), các mỏ uranium của Ukraine đã sản xuất 801 tấn quặng Uranium vào năm 2019. Toàn bộ số quặng này đã được Công ty Nhiên liệu TVEL của Nga chế tạo thành LEU và được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân của Ukraine.

Cùng với việc không còn trong tay bất kỳ nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân nào, có thể thấy toàn bộ quy trình để Kiev sở hữu nhiên liệu hạt nhân đều phải qua tay người Nga và gần đây là Mỹ

Quan trọng hơn, từ tin tức nói trên cho thấy Kiev không có các cơ sở làm giàu uranium, điều vô cùng cần thiết để biến LEU thành NEU với mục tiêu cuối cùng là nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân.

Có lẽ thời gian người Ukraine cần để chạm tay vào tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên là vài chục năm - với điều kiện là một nền tài chính cực mạnh và có lại số chuyên gia hạt nhân mà họ đã để mất sau nhiều năm độc lập.

Thanh Hà