Vì sao không đẩy tín dụng ra ồ ạt?

Thực tế, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 của nhiều ngân hàng đã có sự phục hồi. Như tại , tăng trưởng tín dụng quý I/2024 đạt 3,7%, trong đó cho vay cá nhân tăng 3,8% và cho vay doanh nghiệp tăng 3,5%.

Huy động bao nhiêu thì gần như cho vay bấy nhiêu

Tại , tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 6%, tính theo con số tuyệt đối là hơn 20.000 tỉ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 358.000 tỉ đồng, tập trung vào các lĩnh vực động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, xăng dầu...

Theo , việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế là rất quan trọng, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì vấn đề vốn càng nóng hơn.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho bất cứ dự án nào đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng.

Hiện, huy động vốn của nền kinh tế đạt 13,73 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện đạt 13,76 triệu tỉ đồng. Thanh khoản hệ thống sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cho bất cứ dự án nào đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng.

Với con số huy động và dư nợ cho thấy, huy động được bao nhiêu thì gần như cho vay bấy nhiêu.

Theo thống kê về tăng trưởng tín dụng, tính đến 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 âm. Dấu hiệu khởi sắc này cho thấy, nền kinh tế bắt đầu "ngấm vốn".

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy vốn ra nền kinh tế, NHNN cho biết đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30/6 tới.

“Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng. Nếu không, doanh nghiệp cũng không thể trả được nợ cho ngân hàng trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, nếu như chúng ta lạm dụng quá và thì như thế giới cảnh báo, chính sách này là giấu một khoản nợ xấu, rất xấu, rồi âm ỉ đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Do vậy, NHNN đề xuất gia hạn 6 tháng nữa, sau đó đến hết năm 2024 sẽ đánh giá tiếp. Nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có cơ chế khác hỗ trợ", ông Tú nhấn mạnh.

Lo ngại nợ xấu đang tăng nhanh

Phó Thống đốc cũng thông tin, thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%. Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý…

Đây là các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu rất lớn, trở thành "cục máu đông" như cách đây hơn 10 năm mà phải xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.

Phó Thống đốc phân tích, vì nợ xấu ảnh hưởng đến an toàn an ninh của nền tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến an toàn lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp đổ vỡ thì cũng chỉ doanh nghiệp đó bị phá sản, còn ngân hàng đổ vỡ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Tín dụng cần phải đẩy mạnh, cần phải tăng nhanh nhưng không phải chấp nhận hạ chuẩn tín dụng để đưa tín dụng ra một cách ồ ạt.

Theo nhận định của các chuyên gia, hạ chuẩn sẽ đi cùng rủi ro, nợ xấu. Nếu không giữ chuẩn tín dụng thì nợ xấu sẽ tăng cao. Hiện, nợ xấu bắt đầu nhen nhóm ở một số ngân hàng. Trong nội bảng chưa cao nhưng nợ tiềm ẩn, nguy cơ ở một số ngân hàng có biểu hiện. Câu chuyện nợ xấu luôn được đặt ra để kiểm soát an toàn.

Thực tế, trong năm qua, nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu tăng cao. Chẳng hạn, năm 2023, TPBank có chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 114% lên 3.946 tỉ đồng; tại BacABank tăng 41% lên hơn 195 tỉ đồng. Hay tại VietABank, chi phí dự phòng tăng gấp 11 lần năm 2022; BaoVietBank cũng tăng tới 91%, lên mức 1.072 tỉ đồng...

Đại diện NHNN cho biết, quan điểm điều hành của NHNN là luôn song hành hai nhiệm vụ. Thứ nhất là hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp lý, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đồng thời, NHNN cũng luôn quán xuyến đảm bảo an toàn hệ thống, nên không vì đẩy vốn mà hạ thấp điều kiện, tiêu chuẩn tín dụng.

"Để khách hàng thuận lợi trong việc vay vốn, các ngân hàng thương mại phải tiếp tục đơn giản thủ tục, quy trình, thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi, với những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng nếu quá trình xử lý chậm từ phía ngân hàng sẽ là một trong những khó khăn của doanh nghiệp", Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Huyền Anh