Vì sao số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam 'giảm rồi lại tăng'?

Số ca COVID-19 tăng, nhiều ca nặng

Ngày 11/4, Bộ Y tế cho biết có 183 ca mắc COVID-19, tăng 70 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 8/4, số ca mắc COVID-19 ở nước ta cũng tăng lên con số 122 ca.

Đây là 2 mốc ca mắc COVID-19 tăng cao ở nước ta, sau rất nhiều ngày kể từ đầu năm 2023, số mắc chỉ ở con số vài ca/ ngày hoặc nhiều lắm là hơn 50 ca/ ngày, thậm chí có ngày chỉ 3-4 ca mắc mới.

Số ca mắc COVID-19 bất ngờ tăng nhanh (Ảnh minh họa)

Số ca COVID-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca COVID-19 tăng so với tuần trước.

Riêng tại BV Thanh Nhàn, trong những ngày gần đây số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mạnh. Nếu như trong tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, thì từ đầu tháng 4 đến nay con số này đã tăng gấp 3 lần, là 75 bệnh nhân.

Tuần qua trung bình mỗi ngày có 10 đến 15 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện có 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Tất cả đều trên 60 tuổi, có mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư...

Điều đáng nói là có những bệnh nhân điều trị COVID-19 tại đây đều thuộc đối tượng cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 nhưng hầu hết mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 11/4 đang điều trị cho 74 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 10 ca thở oxy kính.

Vì sao số ca mắc COVID-19 "giảm rồi lại tăng"?

Thông tin số ca bệnh Covid-19 tăng trở lại khiến nhiều người lo lắng, có đơn vị giáo dục cũng cho biết đã có phương án phòng, chống dịch bệnh theo mùa, thậm chí sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu có ca mắc là học sinh.

Lý giải nguyên nhân số ca mắc COVID gia tăng, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, có thể do miễn dịch của người sau tiêm vắc-xin hoặc từng nhiễm đã giảm.

Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, nhiều người cũng lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.

Theo ông Phu, số ca nhiễm thực tế cao hơn số ca được Bộ Y tế công bố hàng ngày, lý do được chuyên gia y tế dự phòng đưa ra là có nhiều người mắc bệnh, có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, tự test và tự điều trị tại nhà.

"Virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng", ông Phu cho hay và khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng…

PGS.TS Trần Đắc Phu

Trước ý kiến cho rằng nếu có ca mắc Covid-19 là học sinh nhà trường sẵn sàng quay trở lại học trực tuyến, ông Phu cho rằng: “Nguy cơ đến đâu giải quyết đến đó, học sinh nào bị mắc Covid thì nghỉ, còn các học sinh khác cần thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với những học sinh bị nhiễm bệnh”.

Từ thực tế dịch Covid-19 như làn sóng “giảm rồi lại tăng”, ông Phu kiến nghị Bộ Y tế cần đánh giá chính xác nguy cơ, phối hợp với WHO để có phương hướng công bố dịch bệnh phù hợp tình hình.

Cùng với đó, chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid cũng cần được nghiên cứu, hướng tới bảo vệ nhóm nguy cơ (người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) nên tiêm vắc-xin đầy đủ.

Thúy Ngà