World Bank: 40% quốc gia thu nhập thấp năm 2024 sẽ nghèo hơn so với năm 2019

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của ân hàng Thế giới công bố hôm 9/1, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau đó là cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình lạm phát và lãi suất tăng đột biến trên toàn thế giới đã khiến triển vọng kinh tế thế giới từ năm 2020 đến nay ở mức ảm đạm nhất trong vòng 30 năm qua.

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, nếu loại trừ sự suy giảm do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng năm nay vẫn được xem là yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Theo WB, kinh tế thế giới từ năm 2020 đến nay ở mức ảm đạm nhất trong vòng 30 năm qua

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế và khu vực trên thế giới, theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% vào năm 2023, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 6. Dự báo tăng trưởng trong năm nay cũng sẽ chậm lại còn 1,6% do chính sách tiền tệ thắt chặt.

Bức tranh kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ảm đạm không kém, với mức tăng trưởng năm nay được dự báo là 0,7% sau khi giá năng lượng tăng cao dẫn đến mức tăng trưởng chỉ đạt 0,4% vào năm 2023. Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đã khiến triển vọng năm 2024 của khu vực bị cắt giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6 của ngân hàng.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cũng giảm xuống mức dự báo 4,5% vào năm 2024, đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế này trong hơn ba thập kỷ qua.

Nhóm thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay, giảm từ mức 4,0% vào năm 2023 và thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình trong những năm 2010.

Với tốc độ tăng trưởng này, thế giới sẽ không đủ khả năng để đưa dân số ngày càng tăng thoát khỏi nghèo đói. Theo Ngân hàng thế giới, vào cuối năm 2024, người dân ở khoảng 1/4 quốc gia đang phát triển và 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ nghèo hơn so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.

Hồng Nhung/VOV1 (biên dịch) Theo Reuters