Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới

Các chương trình văn hóa văn nghệ được tổ chức ở các địa phương đang góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, các trung tâm văn hóa - thể thao; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn và nhiệm vụ xây dựng NTM.

Qua thực hiện tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM đã giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với xây dựng NTM, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm xây dựng, theo đó các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được tổ chức đa dạng hơn, thu hút được nhiều người tham gia.

Tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao cho người dân và phát triển thông qua Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước.

Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh có 652.099 người tham gia tập luyện thể dục thể thao, đạt tỷ lệ 36,8%, tăng 0,95% so với năm 2022; có 119.879 hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao, đạt tỷ lệ 24,5%, tăng 0,47% so với năm 2022.

Toàn tỉnh hiện có 460.611/486.271 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 94,72%, tăng 0,7% so với năm 2022; 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 100%; 172/172 xã đạt chuẩn văn hóa NTM/phường/thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (trong đó có 142 xã, 21 phường và 8 thị trấn), đạt 100%; 69 chợ văn hóa; 18 công viên văn hóa; 951 con đường văn hóa, 569 cơ sở thờ tự văn hóa.

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương đã củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, hỗ trợ kinh phí, góp phần đưa phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng.

Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã giúp giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình. Phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa những năm gần đây phát triển nhanh, huy động được sự chung tay, góp sức của nhân dân.

Nét nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa là thực hiện tốt các nhiệm vụ: Đoàn kết giúp nhau “xóa khó, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh.

Cùng với đó là xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt - việc tốt, các điển hình tiên tiến được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng.

Chất lượng môi trường văn hóa được nâng lên; các hủ tục từng bước được đẩy lùi; đa số các hộ gia đình, khu dân cư thực hiện nghiêm túc quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật có chuyển biến tích cực.

Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nhân dân đoàn kết, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần quan trọng xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM hiện nay ở tỉnh ền Giang vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Tính tích cực, chủ động, tự nguyện của một bộ phận người dân trong tham gia thực hiện phong trào ở một số nơi còn thấp; nhiều thiết chế văn hóa chưa khai thác hết công năng hoạt động, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của nhân dân. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa được thường xuyên; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra trong một số địa bàn dân cư…

Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, gắn kết phong trào xây dựng NTM, phong trào xây dựng đời sống văn hóa với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” một cách hiệu quả, thiết thực. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện phong trào hằng năm để kịp thời hỗ trợ các địa phương phát huy những mặt làm được, khắc phục những hạn chế, đưa phong trào phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Phải xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, mục đích cuối cùng là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Xã, huyện NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu phải là nơi thực sự có đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc và đáng sống, thỏa mãn mọi nhu cầu cuộc sống của người dân.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các địa phương của tỉnh cần tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng các thiết chế văn hóa, từ đó có cơ chế, chính sách phát triển, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí thiết chế văn hóa theo quy định mới, tránh lãng phí các cơ sở vật chất đã xây dựng.

Để đánh giá đúng tình hình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, định kỳ cần có sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị điển hình tiên tiến; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc; con người năng động, sáng tạo, nghĩa tình, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh.

HỮU NGHỊ