Xây dựng việc tuân thủ pháp luật trở thành 'nét văn hóa' doanh nghiệp

Hải quan Bắc Ninh trao chứng nhận cho 5 doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm giai đoạn 2 vào cuối tháng 12/2023. Ảnh: Đỗ Quang

Tăng hạng - tăng uy tín

Nhìn lại kết quả giai đoạn 1 (năm 2022), cơ quan hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 213 doanh nghiệp. Thời gian đầu triển khai, ngành Hải quan chỉ lựa chọn một số doanh nghiệp tại 7 cục hải quan, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, ắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch; sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp.

Đến nay, chương trình đã được lan tỏa rộng khắp cả nước, với 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Đến cuối năm 2023, cơ quan hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 68 doanh nghiệp ở giai đoạn 2, tăng 40% so với năm 2022. Kết quả này vượt xa chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 đã được ổng cục Hải quan đặt ra. Qua quá trình triển khai, Chương trình thí điểm hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Mức độ tuân thủ của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt

Kể từ khi tham gia chương trình, mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp thành viên đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, 152 doanh nghiệp không thay đổi mức độ tuân thủ; 94 doanh nghiệp được nâng mức độ tuân thủ; 35 doanh nghiệp giảm mức độ tuân thủ do doanh nghiệp có phát sinh vi phạm, trong đó có 6 doanh nghiệp đã bị thu hồi tư cách thành viên chương trình.

Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Xuất nhập khẩu, Công ty CP Dược liệu trung ương 2, chia sẻ trước khi tham gia chương trình, hệ thống thông tin ngành Hải quan ghi nhận doanh nghiệp tuân thủ xếp hạng 4. Đến nay, sau hơn 1 năm tham gia chương trình, doanh nghiệp được hệ thống thông tin ngành Hải quan đánh giá tuân thủ xếp hạng 2. Kết quả này là minh chứng cho sự đồng hành hỗ trợ của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp, trong việc nâng cao tính tuân thủ các quy định pháp luật.

Đây cũng là sự nỗ lực phấn đấu chấp hành đúng văn bản pháp luật về hải quan của doanh nghiệp. Việc tăng được hạng mức tuân thủ pháp luật hải quan, ngoài việc giúp doanh nghiệp tránh được các sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan, không bị xử phạt vi phạm hành chính, còn giúp doanh nghiệp tạo được uy tín cao đối với khách hàng, đối tác…

Theo ông Ratchapol Thanawarith - Giám đốc kinh doanh nguồn cung ứng và tái chế, Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA, sau khi tham gia chương trình, doanh nghiệp đã được hưởng lợi ích khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường khác. Kết quả mức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, từ mức trung bình lên mức cao khi tham gia chương trình.

Việc tham gia chương trình không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Kiểm tra định kỳ việc hỗ trợ của hải quan các cấp

Để chương trình triển khai đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và mang lại sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp.

Trước tiên là thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thông qua việc điều phối, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, từ cấp cục hải quan đến chi cục trong việc phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp thành viên; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tổng cục tổ chức theo dõi, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp và kiểm tra định kỳ việc thực hiện, triển khai các hoạt động hỗ trợ của Hải quan các cấp trong khuôn khổ chương trình.

Đồng thời, toàn ngành đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp công tác với các cơ quan trong, ngoài ngành và các bên liên quan nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Và đặc biệt là cơ quan hải quan tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng công nghệ, số hóa các thông tin, dữ liệu liên quan trong khuôn khổ chương trình như: quản lý dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp; số hóa quy trình quản lý, tiếp nhận thông tin và phản hồi các yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ để tự động theo dõi, phân tích, đánh giá quá trình tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp.

BÀ NGUYỄN MINH THẢO - TRƯỞNG BAN, VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG:

Sự chủ động thay đổi của cơ quan hải quan là điều khích lệ

Chương trình hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đặt mục tiêu khích lệ doanh nghiệp nâng cao khả năng và ý thức tuân thủ. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ là một trách nhiệm tự nhiên mà còn là yếu tố quyết định sự thành công.

Một số doanh nghiệp, do hạn chế về năng lực tiếp cận thông tin và quy trình tìm hiểu thủ tục, thường gặp khó khăn trong việc duy trì mức tuân thủ cao. Tham gia chương trình sẽ giúp họ cập nhật thông tin và nhận cảnh báo kịp thời.

Sự chủ động thay đổi của cơ quan hải quan là điều khích lệ, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp về sự đồng hành của cơ quan nhà nước. Chương trình giúp doanh nghiệp nâng cao chuyên nghiệp hóa trong thực hiện thủ tục hải quan, tăng cơ hội được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

ÔNG NGUYỄN NHẤT KHA - CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ RỦI RO (TỔNG CỤC HẢI QUAN):

Doanh nghiệp trở thành đối tác tin cậy của hải quan

Chương trình hướng đến sau 2 năm triển khai, 100% doanh nghiệp tham gia không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Với mục tiêu như trên, chương trình sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giúp cơ quan hải quan thực hiện chức năng quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan hiệu quả hơn.

Cùng với đó, thiết lập quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tham gia chương trình trở thành đối tác tin cậy, đồng hành cùng cơ quan hải quan và là thành viên lan tỏa những lợi ích của chương trình. Từ đó, tính tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao, hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan tăng lên...

Hồng Vân