Bộ Y tế đề xuất phương án đảm bảo cung ứng đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng

Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc cung ứng vaccine đã bị ảnh hưởng, dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vaccine cục bộ tại một số địa phương.

Đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.

Riêng vaccine viêm gan B, vaccine phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023; vaccine viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023. Vaccine sởi, sởi - rubella, bOPV (bại liệt uống) đủ dùng hết tháng 7/2023. Vaccine uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023.

Đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023 do năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vaccine theo qui định tuy nhiên đã không có nhà thầu tham gia.

Hiện nay chương trình TCMR vẫn tiếp tục triển khai tiêm các vaccine sẵn có tại các điểm tiêm chủng xã/ phường.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đối với việc rà soát, thống kê nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu đăng ký vaccine tiêm chủng mở rộng những tháng còn lại năm 2023 và đến tháng 6/2024.

Về cơ chế đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, trong những năm qua, Bộ Y tế thực hiện mua sắm thông qua hình thức đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với các loại: thuốc lao, thuốc ARV và vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) và có thể tiếp tục thực hiện ngay cả khi không được bố trí ngân sách trung ương.

Đối với 9 loại vaccine sản xuất trong nước, do các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu; khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Như vậy, Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vaccine sản xuất trong nước (ngay cả khi Bộ Y tế được bố trí ngân sách trung ương).

Bộ Y tế đề xuất phương án mua vaccine như sau: Bộ Y tế sẽ thông báo cho địa phương đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu; Căn cứ vào nhu cầu đăng ký của địa phương: Bộ Y tế thực hiện mua sắm theo hình thức đàm phán giá đối với vaccine nhập khẩu và đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước.

Tóm lại, các loại vaccine nhập khẩu (trừ Rota), sử dụng nguồn viện trợ hoặc đấu thầu tập trung theo quy định hiện hành và không có vướng mắc. Đối với 10 loại vaccine sản xuất trong nước (trong đó có Rota sản xuất trong nước), Bộ Y tế đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng.

Do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật đấu thầu đối với các vaccine tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước, để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương.

Ngọc Nga