Xuất khẩu ngày 8-14/1: Thị trường Brazil ưa chuộng cá tra; Việt Nam sở hữu sản vật ngàn đô, các nước đua nhau săn lùng

11 tháng đầu năm 2023, Brazil đã tiêu thụ hơn 97 triệu USD cá tra từ Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thị trường bất ngờ ưa chuộng loại thủy sản này, tăng đột biến 81%

Theo thông tin mới công bố từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Brazil là thị trường đơn lẻ thứ 3 tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) cho Brazil trong suốt nhiều năm.

Theo đó, tháng 11/2023, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil đạt gần 14 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 11/2023 là tháng xuất khẩu các sản phẩm cá tra sang quốc gia Mỹ Latinh này đạt giá trị cao nhất, và tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2022. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp trong năm 2023, thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra.

nhận định 11 tháng đầu năm 2023, Brazil đã tiêu thụ hơn 97 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Khác với nhiều thị trường khác, quốc gia Mỹ Latinh này chỉ NK các sản phẩm cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil tháng 10/2023 mặc dù có tăng nhẹ so với tháng trước đó, nhưng vẫn duy trì dưới mức 3 USD/kg, tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các chuyên gia, năm 2023 có thể coi là năm khó khăn của toàn ngành cá tra khi hầu hết giá xuất khẩu sang các thị trường đều giảm. Brazil cũng không phải là ngoại lệ, giá mặc dù giảm nhưng so với thời điểm giữa năm 2019 đến đầu năm 2023, đây vẫn là mức giá có thể chấp nhận được.

Ngược lại, khối lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang quốc gia này lại có xu hướng tăng liên tục kể từ tháng 6/2023.

Nhờ đó mà giá trị xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương, bất chấp giá FOB trung bình xuất khẩu liên tiếp sụt giảm. Tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu gần 3.000 tấn cá tra sang Brazil. Nhu cầu tiêu thụ cá tra Việt Nam tại Brazil vẫn duy trì mức ổn định và có phần tăng so với các thị trường khác trong bối cảnh sụt giảm chung.

Dẫn số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), VASEP cho răng Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) hàng đầu cho Brazil. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam đang dần phải cạnh tranh với không chỉ các nước đang bắt tay vào việc nuôi loài cá này, mà còn phải cạnh tranh với 1 số loại cá thịt trắng khác như cá tuyết hake (mã HS 030474) hay cá tuyết cod (mã HS 030363).

Brazil là một trong những thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2023 sẽ là động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nắm bắt cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra Việt Nam sang quốc gia đang ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu này.

Xuất khẩu chè đạt mức thấp nhất trong 7 năm qua

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong quý IV/2023 xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 39,3 nghìn tấn, trị giá 70 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với quý III/2023, giảm 22,1% về lượng nhưng tăng 1,4% về trị giá so với quý IV/2022.

Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý IV/2023 đạt 1.778,9 USD/tấn, tăng 1,2% so với quý 3/2023 và tăng 30,1% so với quý 4/2022.

Tính chung, năm 2023, xuất khẩu chè ước đạt 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2023 ước đạt 1.737,3 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022. Như vậy, 2023 là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất 7 năm.

Các yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2023 là do nhu cầu thị trường yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường xuất khẩu chè chính.

Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp. Hầu hết các mặt hàng chè xuất khẩu đều có xu hướng giảm trong 11 tháng năm 2023, dẫn đầu về lượng và trị giá là chủng loại chè xanh đạt 52,6 nghìn tấn, trị giá 104 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là chủng loại chè đen đạt 42,2 nghìn tấn, trị giá 57,2 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 18,4% về trị giá; chè ướp hoa đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 7,3 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 6,7% về trị giá.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè ô long đạt 1,1 nghìn tấn, trị giá 3,5 triệu USD, tăng 101,8% về lượng và tăng 106,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Hầu hết trị giá nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, dù nhu cầu thị trường yếu thì ngành chè của Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…

“Vàng đen” của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ

Được ví như “vàng đen”, hạt tiêu Việt Nam chiếm 60% sản lượng trên toàn cầu. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 267.000 tấn hạt tiêu, giá trị ước đạt 912 triệu USD lần lượt tăng 16,6% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị.

Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu giảm là do giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam giảm 19,4% so với năm 2022, đạt khoảng 3.420 USD một tấn trong năm 2023.

Trong đó, theo cơ cấu chủng loại xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam, tiêu đen chiếm đến 71,2%, còn lại là hạt tiêu trắng, hạt xay.

Hiện, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này tính đến hết tháng 11 năm 2023. Việt Nam cũng giữ vị trí nguồn cung hạt tiêu lớn nhất vào thị trường Mỹ.

Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sở dĩ đạt được kết quả này là do doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế hơn một số nước xuất khẩu như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,… nhờ Hiệp định EVFTA, giúp giảm thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền sang EU giảm từ 4% còn 0%.

Ngoài ra, Mỹ giảm nhập tiêu từ Ấn Độ trong khi hàng của Việt Nam có mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao nên được nước này ưa chuộng. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam sở hữu sản vật ngàn đô, các nước đua nhau săn lùng

Việt Nam sở hữu một loại hoa được mệnh danh là cánh hoa nghìn tỷ bởi giá trị kinh tế cao, nhiều quốc gia săn đón là hoa hồi. Hoa hồi hay còn gọi là hoa đại hồi là hoa của một loại cây có nguồn gốc từ Trung Quốc và đông bắc Việt Nam. Theo dữ liệu của Tridge, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ hiện là những nhà cung cấp hoa hồi thống trị trên toàn thế giới. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 12 đạt 1.082 tấn với trị giá đạt 4,9 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng trước. Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường chính trong tháng 12 với sản lượng lần lượt đạt 424 tấn và 335 tấn.

Lũy kế cả năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn, tăng mạnh 26% về lượng.

Giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8% so với năm trước. Trong cả năm 2023, Ấn Độ và Trung Quốc giữ vai trò là 2 thị trường lớn nhất với 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị trường xuất khẩu.

Tại Việt Nam, Lạng Sơn được mệnh danh 'thủ phủ' của cây hồi với diện tích trồng khoảng 40.000 ha với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn và giá trị kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hồi được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 12 đạt 1.082 tấn với trị giá đạt 4,9 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng trước. (Nguồn: VPA)

Hoa hồi thực chất là quả, mỗi hoa gồm 5-8 cánh hình thoi xếp thành hình sao hoặc nan hoa. Loài cây này không mất nhiều công chăm sóc, chỉ việc lấy hạt hoặc cây con cắm xuống đất rồi để cây tự lớn. Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3 đến tháng 5, đến tháng 7, tháng 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý hơn.

Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu. Thân cây hồi có những hương vị đặc trưng như hạt giống, được ăn như rau. Hạt được chế biến và sử dụng trọng một số sản phẩm thực phẩm. Bột hoa hồi rất thích hợp cho việc làm bánh và là gia vị chủ yếu cho nhiều công thức nấu ăn như thịt vịt, thịt lợn…

Ở Phương Tây, dầu được sản xuất bằng cách chưng cất hoa hồi, và tinh dầu hồi thường được cho vào một số loại rượu vang. Đây cũng là một loại hương vị trong các món tráng miệng và món nướng. Trong y học cổ truyền, hoa hồi giúp cho việc kích thích tiêu hóa, đồng thời dùng để điều trị và giảm đau bụng.

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

(tổng hợp)

Vân Chi