Xung đột Ukraine - miền đất mới của những thương vụ vũ khí mờ ám

Một binh sĩ Ukraine với súng phóng lựu ở ngoại ô Kharkiv trong những ngày đầu xung đột. Ảnh: NYT

Theo tờ New York Times (NYT), ông Zlatev và đối tác kinh doanh mới của mình, Heather Gjorgjievski - một nữ bác sĩ chuyên về nắn xương tại địa phương, đã bắt đầu bước đi đầu tiên trong lĩnh vực buôn bán vũ khí quốc tế.

Các tài liệu hợp đồng và các hồ sơ khác mà NYT thu được cho thấy thương vụ này liên quan đến nhiều lớp người trung gian và quá cảnh qua 7 quốc gia. Và nó tồn tại trong một “thị trường xám” hợp pháp, được thiết kế tuân theo các quy tắc xuất khẩu vũ khí của các quốc gia.

"Thời gian là điều cốt lõi", Zlatev và Gjorgjievski gần đây đã viết thư cho Bộ Quốc phòng Ukraine. Họ vạch ra kế hoạch bán vũ khí của Mỹ, Bulgaria và Bosnia cho Kiev.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã âm thầm theo dõi nhanh lượng vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD mà tư nhân bán cho Ukraine, cắt giảm quá trình phê duyệt kéo dài một tuần chỉ còn vài giờ.

Các tài liệu của chính phủ cho thấy, theo dữ liệu mới nhất đã có, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ủy quyền cho các thương vụ vũ khí tư nhân trị giá hơn 300 triệu USD cho Ukraine. Trong khi đó, trong cả năm tài chính 2021, Bộ này chỉ ủy quyền lượng vũ khí trị giá không đến 15 triệu USD cho Ukraine.

Điều đó đã giúp mở ra một dòng chảy vũ khí khác cho mặt trận Ukraine, nhưng nó cũng kéo những người chơi mới như ông Zlatev và Heather Gjorgjievski vào một thị trường mờ ám.

Theo các cố vấn chính phủ và các học giả nghiên cứu về thương mại, vũ khí được bán thông qua các công ty môi giới tư nhân có nhiều khả năng xuất hiện trên thị trường chợ đen và rơi vào tay các đối thủ Mỹ. Kinh nghiệm gần đây ở Afghanistan và Syria cho thấy, nếu không có chính sách truy vết nghiêm ngặt, vũ khí có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc lực lượng quân sự thù địch.

Doanh số bán vũ khí tư nhân này là một con số đáng kể so với số tiền trị giá hơn 17,5 tỷ USD viện trợ quân sự và an ninh mà Nhà Trắng đã gửi cho Ukraine. Nhưng những giao dịch đó có các yêu cầu theo dõi nghiêm ngặt giúp đảm bảo vũ khí đến đúng tay người nhận. Còn giao dịch tư nhân ít bị giám sát hơn. Người bán, người mua và vũ khí đều nằm ngoài các giám sát công khai.

Binh sĩ Ukraine gác một trạm kiểm soát bằng một khẩu súng máy do Mỹ viện trợ ở Donetsk. Ảnh: NYT

Cùng với việc cắt giảm thời gian phê duyệt các giao dịch xuống còn dưới một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đẩy nhanh quá trình đăng ký cho các đại lý vũ khí mới.

Ông Zlatev viết trong bức thư gửi Bộ Quốc phòng Ukraine: "Nói chung, đây là một quá trình mất 60 ngày. Chúng tôi đã được phê duyệt trong 7 ngày."

Tuy nhiên khi phóng viên NYT tìm đến nhà riêng, ông Zlatev, 45 tuổi, phủ nhận mọi thông tin về một thương vụ mua bán vũ khí. "Tôi không biết bạn đang nói về điều gì", ông nói khi cho xem các bản sao hợp đồng cung cấp tên lửa, súng phóng lựu và đạn do công ty của ông và Bộ Quốc phòng Ukraine soạn thảo.

Trong khi đó, khi rời khỏi văn phòng y tế của mình vào cuối ngày hôm đó, bác sĩ Gjorgjievski, 46 tuổi, thừa nhận biết về thỏa thuận nhưng sẽ không trao đổi về nó.

Richard El-Rassy, luật sư cho công ty của ông Zlatev, sau đó đã gửi một email cho NYT giải thích rằng công ty nhắm tới mục tiêu "tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại quốc phòng tiềm năng với các nước đồng minh”. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận yêu cầu của công ty để xúc tiến hợp đồng.

Với một khoản hoa hồng môi giới vũ khí điển hình, cặp đôi này sẽ kiếm được hơn 2 triệu USD. Hồ sơ cho thấy thỏa thuận đang ở giai đoạn cuối cùng, cả hai bên đã xem xét và sửa đổi hợp đồng.

Theo tờ NYT, chính quyền Tổng thống Biden khuyến khích các giao dịch của khu vực tư nhân vì một số lý do. Nó giúp Lầu Năm Góc tránh bị cạn kiệt kho vũ khí của mình sau nhiều tháng gửi vũ khí cho Ukraine. Và những người bán tư nhân có thể cung cấp các vũ khí mà chính phủ không thể.

Tổng thống Biden đã ký một đạo luật vào tháng 5 nhằm tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: NYT

Không phải tất cả các giao dịch mua bán tư nhân đều rủi ro như nhau. Ví dụ, các chính phủ nước ngoài thường mua vũ khí từ các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ. Những giao dịch như ông Zlatev đề xuất là khác. Thay vì bán trực tiếp, họ liên quan đến việc môi giới bán vũ khí từ các quốc gia khác, với nhiều người trung gian ở giữa.

Hồ sơ cho thấy cặp Zlatev - Gjorgjievski đã lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine các loại đạn được sản xuất tại Mỹ và vũ khí từ Bulgaria và Bosnia.

Các chuyên gia cho biết, mỗi bên trong số nhiều bên trung gian của thỏa thuận là một điểm tiềm năng khiến vũ khí bị chuyển hướng ra chợ đen.

Elias Yousif, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết: “Tất cả các rủi ro – như chuyển hướng, leo thang, tham nhũng - đều tăng lên bởi thực tế là chúng ta không có sự giám sát về các giao dịch buôn bán vũ khí của khu vực tư nhân này”.

Bộ Ngoại giao Mỹ có một chương trình theo dõi kiểm tra một phần của các giao dịch, tìm kiếm nguy cơ vũ khí bị chuyển hướng và các rủi ro khác. Nhưng trong số 19.125 yêu cầu xuất khẩu mà bộ đã cho phép trong năm tài chính 2021, chương trình theo dõi chỉ kiểm tra được 281 yêu cầu.

Lính Ukraine xem xét một xe bọc thép chở quân mà Nga bỏ lại ở Donetsk. Ảnh: NYT

Ông Zlatev, người gốc Bulgaria, sống tại St. Louis (bang Missouri, Mỹ) bắt đầu kinh doanh vũ khí vào tháng 12 năm ngoái giữa thời điểm nguy cấp cả ở trong và ngoài nước. Quân đội Nga khi đó đang tập trung gần biên giới Ukraine. Đại dịch COVID-19 đã phá hủy ngành kinh doanh du lịch đến St. Louis, làm sụp đổ ngành công nghiệp xe limo, khiến ông Zlatev từ bỏ đối tác kinh doanh.

Ông đặt trụ sở kinh doanh mới của mình, công ty BMI US LLC, tại Eureka, một thành phố nhỏ ở vùng ngoại ô xa xôi của St. Louis. Công ty có chung địa chỉ với một cơ sở đào tạo súng ống.

Lúc đó thời điểm là hoàn hảo. Chính quyền Ukraine lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm vũ khí, nhanh chóng chi bất cứ thứ gì cần thiết để hỗ trợ tiền tuyến. Chẳng hạn, một công ty quốc doanh của Ukraine đã bắt đầu liên hệ với các nhà môi giới vũ khí của Mỹ, tìm cách mua xe tăng, súng cối và máy bay chiến đấu MiG-29 kiểu Liên Xô - theo những bức thư mà tờ NYT thu thập được.

Các tài liệu cho thấy, một khi chính phủ Ukraine gửi khoảng 25 triệu USD vào tài khoản công ty tại Ngân hàng Mỹ, BMI sẽ thanh toán cho người trung gian lô 2,2 triệu băng đạn do Mỹ sản xuất, rồi chuyển chúng đến Ba Lan. Từ đây, đạn được vận chuyển bằng xe ô tô đến Ukraine.

Ngoài ra, BMI mua 540 súng phóng lựu chống tăng và 22 súng cối từ một nhà sản xuất Bosnia. Các vũ khí này sẽ được di chuyển bởi một đoàn xe tải qua Croatia, Slovenia, Áo, Slovakia và Ba Lan đến biên giới Ukraine, theo các tài liệu của thỏa thuận.

Binh sĩ Ukraine xem xét một khẩu súng phóng lựu RPG-7 được thiết kế từ thời Liên Xô trong một buộc huấn luyện ở ngoại ô Kharkiv hồi tháng 4/2022. Ảnh: NYT

Ông Zlatev cũng có kế hoạch vận chuyển 900 tên lửa đất đối không từ Bulgaria, qua Ba Lan, tới Ukraine. Các thương vụ giữa Bosnia và Bulgari, trị giá khoảng 5 triệu USD, rất phức tạp do lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ở cả hai nước.

Các tài liệu của BMI cho biết họ đã trung thực với Bộ Ngoại giao Mỹ về điểm đến thực sự của vũ khí. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về việc liệu các hoạt động như vậy có vi phạm luật pháp hay không. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ukraine cũng từ chối trao đổi với NYT về thỏa thuận với BMI.

Cho dù thỏa thuận trên có được tiến hành hay không, các tài liệu của BMI cho thấy cuộc chiến tại Ukraine đang tạo cơ hội cho những mức giá vũ khí rất cao. Những viên đạn mà ông Zlatev định bán đắt hơn 50% so với những viên đạn được các nhà cung cấp khác niêm yết công khai. Những khẩu súng phóng lựu của ông được bán với giá cao hơn gấp đôi so với giá niêm yết trên bảng giá dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Các chuyên gia cho rằng những khoản giá đội lên này thường để thanh toán cho những người trung gian - với mức giá phải trả của một quốc gia đang trong xung đột.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)