Yêu nghề từ những câu chuyện pháp luật đời thường

Tình huống pháp luật dạy về ứng xử

An ninh trật tự là mảng chính mà PV mảng Pháp luật - Nội chính được phân công theo dõi và thông tin. Những vụ án lớn, nhỏ thuộc các lĩnh vực an ninh, kinh tế, hình sự, ma túy…, luôn được chuyển tải kịp thời đến bạn đọc và trong số đó, không ít vụ án khiến PV nặng lòng vì cách ứng xử của người trong cuộc.

Tháng 6- 2016, vụ án đánh ghen tại siêu thị Big C- Hà Đông thu hút sự quan tâm của dư luận khi 4 người phụ nữ xông vào đánh đập, chửi bới, lột đồ của 1 cô gái trẻ, nguyên nhân vì cô gái này có quan hệ bất chính với chồng của 1 người phụ nữ trong nhóm này.

Do nghi ngờ chồng mình có quan hệ ngoài luồng, Nguyễn Thị Vân A (trú tại quận Hà Đông) đã rủ bạn là Hoàng Thị A rồi hẹn “tình địch” đến gặp để “xử lý”. 2 người phụ nữ đến điểm hẹn là siêu thị Big C, Hà Đông thì tình cờ gặp 2 người bạn. Qua trao đổi, nhóm Vân A rủ 2 người này đi cùng. Khi gặp “tình địch” của Vân A, cả 4 người phụ nữ đã xông vào hành hung cô gái; nhiều người hiếu kỳ đứng xem đã quay lại clip và đưa lên mạng xã hội… Sự việc chỉ dừng lại khi lực lượng CA phường Mộ Lao, quận Hà Đông xuất hiện, giải quyết.

Luật sư Trần Đăng Chung, Trưởng VPLS Luật và Phát triển, Đoàn LSTP Hà Nội cho hay: “Những vụ đánh ghen kiểu này cần được xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe bởi cái sai trong xã hội có pháp luật phải được xử lý bằng luật pháp chứ không phải theo lối “tự xử” bất luận ở trường hợp nào, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu trong xã hội…”.

Như vậy, dù tưởng chừng là “bị hại” trong mối quan hệ hôn nhân với người chồng bội bạc nhưng người phụ nữ trong vụ việc trên cùng 3 người đi cũng đã trở thành “thủ phạm” với hành vi “Hành hung, làm nhục người khác”. Vụ án là bài học về nhận thức và thái độ ứng xử pháp luật đúng đắn. Xuất phát từ những việc rất đơn giản, đời thường nhưng nếu không có nhận thức và hành vi đúng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Trưởng thành là khi hòa nhập, dấn thân với nghề bằng sự chân thành và trách nhiệm

Câu chuyện hòa giải giáo dục tình người

Một mảng rất quan trọng thuộc nhiệm vụ của PV mảng Pháp luật - Nội chính là Tư pháp, trong đó có những câu chuyện hòa giải mang đậm hương vị và hơi thở cuộc sống. Chúng tôi nhớ vụ hòa giải về đất đai năm 2019 do Tổ hòa giải thôn Dục Tú 3, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội giải quyết liên quan đến mâu thuẫn về mốc giới đất đai giữa 2 gia đình hàng xóm. Chuyện là: Ông Bảo (tên nhân vật được thay đổi) xây nhà mới nhưng không xây trên mốc giới cũ mà phá tường bao cũ và xây lấn sang nhà bà Châm (hàng xóm) 40 cm.

Dù bà Châm đã sang nhà ông Bảo nói chuyện đầu cuối nhưng ông Bảo vẫn không đồng ý và cho rằng đó là phần đất nhà ông, do các cụ ngày xưa để lại. Trước thái độ thiếu thiện chí của ông Bảo, hai nhà lời qua tiếng lại rồi cãi vã, gây mất trật tự. Bà Châm đã gặp gỡ lãnh đạo thôn Dục Tú 3, yêu cầu lãnh đạo thôn tổ chức hòa giải giữa hai bên với mong muốn ông Bảo tôn trọng mốc giới cũ, trả lại nguyên trạng như trước.

Tiếp nhận nội dung đơn yêu cầu của bà Châm, Tổ hòa giải thôn Dục Tú 3 đã kiểm tra tình hình xây dựng thực tế của nhà ông Bảo; phối hợp với công chức địa chính xã kiểm tra hồ sơ về hiện trạng đất, tham khảo ý kiến của các cụ cao niên trong làng... Khi đã nắm được nội dung, căn cứ pháp lý, quá trình lịch sử để lại về nguồn gốc đất, ranh giới giữa các bên, Tổ hòa giải cử thành viên tới gặp gỡ mỗi bên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời khuyên giải 2 nhà hóa giải mâu thuẫn, không làm ảnh hưởng tới tình làng nghĩa xóm. Buổi hòa giải đã được tổ chức tại nhà văn hóa thôn.

“Xưa nay tại thôn, hai gia đình đều gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như quy định của thôn; luôn đoàn kết, hòa thuận; vì vậy vấn đề tranh chấp mốc giới giữa hai bên là vấn đề nhỏ, không đáng có…”- đại diện Tổ hòa giải phân tích. Nghe có tình có lý, ông Bảo đồng ý xây đúng trên nền tường bao cũ; hai bên sau đó đã cùng giúp nhau trong việc xây dựng nhà; tình làng nghĩa xóm lại càng thắm thiết hơn xưa .

15 năm tác nghiệp ở mảng Pháp luật - Nội chính, từ trải nghiệm những đề tài khác nhau và khai thác nhiều vấn đề có tính chiều sâu; chúng tôi nhận ra rằng, mỗi cá nhân chỉ thực sự trưởng thành khi hòa nhập, dấn thân với nghề bằng sự chân thành và trách nhiệm. Chặng đường tới đây sẽ còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi nguyện sẽ đem những kinh nghiệm và đam mê của mình để sống với tình yêu nghề và xây dựng thương hiệu của tờ báo mà chúng tôi vẫn hằng gắn bó.

Những câu chuyện hòa giải đã được PV mảng Pháp luật - Nội chính ghi lại, chuyển đến bạn đọc nhiều năm qua và trở thành một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả của Báo Pháp luật và Xã hội trước đây và Ban Pháp luật và Xã hội hiện nay.

Nam Du