Bắc Kinh ban hành 10 điều cấm quan chức khi giao dịch với doanh nghiệp

Một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh hồi tháng 8-2023. Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ khu vực tư nhân để vực dậy nền kinh tế và tạo việc làm. Ảnh: AFP

Tân Hoa xã đưa tin, danh sách các hành vi mà các quan chức Bắc Kinh bị cấm còn bao gồm nhận quà tặng, tiệc tùng, cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc làm việc bán thời gian được trả lương cho doanh nghiệp.

“Mối quan hệ giữa các quan chức chính quyền và doanh nhân phải chặt chẽ nhưng ‘sạch’ tham nhũng, có ranh giới và quy tắc để cải thiện môi trường kinh doanh”, bài viết của Tân hoa xã nhấn mạnh.

Tài liệu này là một phần trong những nỗ lực gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm vực dậy niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân để khởi động tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ Bắc Kinh, nhiều trung tâm kinh tế khu vực của Trung Quốc, nơi có sự tập trung cao của doanh nghiệp tư nhân, gồm Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang, cũng đưa ra những điều cấm tương tự để nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh giữa quan chức với doanh nghiệp tư nhân, giảm thiểu sự can thiệp, đảm bảo liên lạc thông suốt và hỗ trợ phù hợp.

Các chuyên gia cho những điều cấm như vậy chỉ có tác dụng hạn chế. Theo Zhu Tian, giáo sư của Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc châu Âu ở Thượng Hải, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung thẳng vào các điểm nghẽn, chẳng hạn tiếp cận thị trường, tài chính và cạnh tranh công bằng.

“Danh sách các hành vi tiêu cực bị cấm của quan chức mà chính quyền thành phố Bắc Kinh vừa ban hành sẽ khiến các quan chức cảm thấy bí bách khi giới lãnh đạo cấp cao đang trông cậy vào họ để thực hiện nhiệm vụ ủng hộ doanh nghiệp, cũng như tương tác nhiều hơn với doanh nghiệp tư nhân”, Zhu Tian nói.

Ông nói thêm rằng, đối với quan chức Trung Quốc, đã có rất nhiều hướng dẫn kỷ luật nội bộ của Đảng Cộng sản và luật chống tham nhũng. Tuy nhiên, mối lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân không phải là “cách các quan chức hành xử”. Theo ông, họ quan tâm nhiều hơn về các biện pháp giúp tháo gỡ các khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, tài chính và cạnh tranh công bằng.

Niềm tin của khu vực tư nhân suy giảm nghiêm trọng do các hạn chế hà khắc trong đại dịch Covid-19 cũng như các chiến dịch chấn chỉnh nhằm vào các lĩnh vực internet, game trực tuyến và gia sư trong những năm gần đây. Đầu tư tư nhân trong 11 tháng đầu năm ngoái giảm 0,5% dù Bắc Kinh đã tung ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ, bao gồm kế hoạch hành động 31 điểm công bố hồi tháng 7 để củng cố khu vực tư nhân.

Kế hoạch này nhấn mạnh giới chức trách sẽ đối xử bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân như doanh nghiệp nhà nước. Kế hoạch cam kết thường xuyên công bố danh sách tiêu cực về các hành vi can thiệp thị trường, kịp thời làm sạch và bãi bỏ các chính sách cản trở sự thống nhất của thị trường và cạnh tranh công bằng, bao gồm bảo hộ địa phương.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát với 40 doanh nghiệp tư nhân, do hãng luật Beijing Dacheng ở Bắc Kinh thực hiện vào tháng 11 năm ngoái, cho thấy, 70% doanh nghiệp nói rằng môi trường kinh doanh ở Trung Quốc vẫn không thay đổi hoặc thậm chí còn xấu đi sau khi kế hoạch hành động 31 điểm được công bố. 85% cho biết khu vực tư nhân Trung Quốc đang gặp khó khăn, trong khi chỉ có 22,5% nói họ có kế hoạch tăng đầu tư trong hai năm tới.

Một số thành phố, bao gồm trung tâm sản xuất Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang, cũng đã lồng ghép sự tăng trưởng của khu vực tư nhân vào hệ thống đánh giá năng lực quan chức địa phương. Họ đặt ra các mục tiêu cụ thể cho quan chức tuyến đầu, bao gồm số lần ghé thăm doanh nghiệp tư nhân, cũng như hạn mức cho số lượng vấn đề của khu vực tư nhân được xác định và giải quyết.

“Thay vì quanh co, chúng tôi cần chính quyền giải quyết những ‘điểm nhức nhối’ thực sự mà các quan chức đã biết quá rõ, như tiếp cận thị trường và gánh nặng tài chính”, một doanh nhân tư nhân giấu tên ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, nói.

Vị doanh nhân này cho biết thêm, vào đầu năm 2019, chính quyền Ôn Châu, nơi đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP địa phương thuộc hàng cao nhất nước, đã đưa ra một danh sách các điều cấm áp dụng cho quan chức tương tự như Bắc Kinh. Vị doanh nhân nói, điều này giúp môi trường hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện phần nào.

“Dù vậy, hoạt động kinh doanh chúng tôi vẫn chưa trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi cảm thấy, một số quan chức đang tìm cách hạn chế tương tác với chúng tôi. Họ chọn cách làm ít hơn để đảm bảo an toàn. Ngay cả khi họ đến thăm hoặc gọi điện cho chúng tôi, họ chỉ đang thực hiện như một nghi lễ mang tính hình thức”, vị doanh nhân chia sẻ.

Trong một diễn biến khác, tại hội nghị có chủ đề về phát triển chất lượng cao của nền kinh tế tư nhân, tổ chức ở tỉnh Phúc Kiến, hôm 2-1, Trịnh Sách Khiết, người đứng đầu Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết nhiều biện pháp thực dụng hơn sẽ được thực hiện để hỗ trợ khu vực tư nhân. Chẳng hạn như đẩy nhanh quá trình xây dựng pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao trao đổi đa cấp và lắng nghe tiếng nói thực sự của doanh nghiệp tư nhân, thu hút thêm vốn tư nhân tham gia vào các dự án kỹ thuật lớn của quốc gia, như đường sắt và điện hạt nhân.

Theo SCMP

Chánh Tài