'Bài toán' thực phẩm cho vùng 'tâm dịch'

"Bài toán" thực phẩm cho vùng "tâm dịch"- (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo hệ thống Saigon Co.op mới đây cho biết, nhân viên của hệ thống này đã phải làm việc cật lực suốt ngày đêm, mỗi ngày chỉ có 3 - 4 tiếng để nghỉ ngơi nhưng vẫn làm không xuể. Bởi nhu cầu quá lớn, trong khi hệ thống chợ đầu mối và phần lớn chợ truyền thống đã phải đóng cửa vì dịch.

Trước đây, hệ thống siêu thị chỉ đảm bảo cung ứng khoảng 30% nhu cầu thực phẩm cho thành phố hơn 10 triệu dân này. Vì vậy, khi phải đảm nhiệm công việc cung ứng gần như toàn bộ nhu cầu của thành phố, tình trạng thiếu hụt xảy ra là dễ hiểu.

Hệ thống siêu thị chỉ đảm bảo cung ứng khoảng 30% nhu cầu thực phẩm cho thành phố hơn 10 triệu dân này.

Bên cạnh đó, tình trạng giá thực phẩm leo thang "chóng mặt" đã xảy ra. Một số mặt hàng rau, củ, trứng gia cầm đã tăng giá từ 100 - 300%. Theo ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh, hiện giá bắp cải, cải thảo, xà lách được bán lẻ với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại; cà chua, khoai tây, cà rốt 50.000 - 60.000 đồng/kg; rau bó xôi 60.000 đồng/kg. Mức giá này được người dân cho biết tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm bình thường. Không chỉ tăng giá ở chợ mà giá thực phẩm trong nhiều siêu thị cũng tăng, lý do là hàng hóa đang phải gánh thêm quá nhiều chi phí.

Giá đắt nhưng không phải ai cũng có thể mua. Hàng hóa vẫn được "châm" đều đặn cho các siêu thị từng giờ nhưng vừa lên kệ là hết ngay.

Vướng mắc lớn nhất là do hệ thống logistic hiện không đủ khả năng đáp ứng lượng hàng quá lớn. Đặc biệt, năng lực vận chuyển không đáp ứng được yêu cầu ngày một tăng cao.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cho biết, lợi dụng hệ thống bán hàng bình ổn, một số cá nhân đã gom hàng siêu thị số lượng lớn đem ra ngoài bán hưởng lợi. Thực trạng này khiến nhiều hệ thống siêu thị phải hạn chế số lượng bán ra cho một người, nhất là với mặt hàng trứng gia cầm và rau xanh. Đại diện Cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán tại các chợ, cửa hàng và xử lý những trường hợp nâng giá bán không hợp lý các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để trục lợi.

Trước thách thức quá lớn của thực tế, lãnh đạo ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức các hình thức bán hàng lưu động đến từng khu phố. Một số hệ thống siêu thị còn tổ chức hình thức dịch vụ "đi chợ giúp" người dân tại nhiều quận huyện, các khu công nghiệp.

Trước tình hình này, thành phố cần tính tới nhiều phương án để đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường thực phẩm thời gian tới. Cần căn cứ vào tình hình thực tế để có những giải pháp thích hợp.

KHÁNH NGUYỄN