Bali chết dần

Hòn đảo nghỉ dưỡng (Indonesia) được gọi bằng nhiều cái tên, từ "đảo của các vị thần" đến "bình minh của thế giới". Nhưng bầu không khí tự do và thoải mái ở đây có thể không còn giống như trước.

Hồi tháng 2, chính quyền địa phương đã thành lập một đơn vị cảnh sát du lịch mới để đối phó với các khách du lịch trong và ngoài nước có vấn đề. Những du khách say rượu và thậm chí cả những người xin tiền đều bị xử lý, theo CNA.

Hơn 70 cảnh sát du lịch đã được triển khai tại các khu vực nổi tiếng như Canggu, Seminyak và Kuta.

Một phần công việc của họ là đảm bảo rằng khách du lịch ăn mặc phù hợp - ví dụ như đeo khăn choàng được cung cấp - trong các ngôi đền ở Bali, khu vực theo đạo Hindu duy nhất ở .

"Vì sự thiếu hiểu biết nên du khách có thể không tuân theo các quy tắc khi vào những nơi linh thiêng", Dewa Nyoman Rai Dharmadi, người đứng đầu Đơn vị Cảnh sát Công vụ Bali, cho biết.

Sự bất mãn của người dân ở "hòn đảo thiên đường" cũng đang gia tăng. Tháng 5 năm ngoái, Thống đốc Bali lúc bấy giờ, Wayan Koster, đã đề xuất giới hạn số lượng du khách để hạn chế hành vi cư xử không đúng mực. Mặc dù đề xuất không thành hiện thực nhưng hòn đảo này vẫn tiếp tục vật lộn với vị thế là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Indonesia.

Năm ngoái, Bali đã trục xuất 340 người nước ngoài, tăng từ 188 người vào năm 2022, chủ yếu đến từ Nga, Mỹ, Anh và Nigeria. Những hành vi vi phạm bao gồm ở lại quá hạn, làm việc bất hợp pháp và phơi bày cơ thể ở những nơi linh thiêng.

Khi du khách đổ xô trở lại Bali sau đại dịch, có thể với số lượng kỷ lục trong năm nay, vấn đề du lịch quá mức đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Bali vẫn muốn thu hút nhiều du khách hơn để bù đắp những gì đã mất trong đại dịch. Năm 2021, chỉ có 51 khách du lịch nước ngoài đến thăm đảo, so với 6,3 triệu vào năm 2019.

Năm ngoái, con số đó là gần 5,3 triệu, vượt mục tiêu 4,5 triệu. Năm nay, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, Sandiaga Uno, thậm chí đã nâng mức chuẩn lên 7 triệu.

Không trồng cây, không xử lý rác

Khách du lịch gia tăng không chỉ làm phát sinh những hành vi sai trái, mà còn gây căng thẳng về tài nguyên và làm hoen ố hình ảnh của Bali vì sự phát triển tràn lan, tình trạng quá tải và tắc nghẽn giao thông.

Hồi tháng 12/2023, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường thu phí ở Bali buộc mọi người phải đi bộ tới 4 km để đến sân bay. Ngoài ra còn có tình trạng ùn tắc liên tục trên những con đường dẫn đến các địa điểm du lịch yêu thích.

"Với dân số 4,5 triệu người, hòn đảo có thể chứa bao nhiêu khách du lịch?", Nyoman Sukma Arida, phó trưởng khoa du lịch tại Đại học Udayana ở Bali, đặt câu hỏi.

"Chúng ta có đủ đất và nước cung cấp không? Khách du lịch cần đồ ăn và nhiều thứ khác nữa", ông nói.

Người dân Bali hình thành mối quan hệ yêu-ghét phức tạp với du lịch.

Khu vực mới nhất rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về phát triển là Canggu, sau nhiều thập kỷ phát triển du lịch trải dài về phía bắc từ bãi biển Kuta đến Legian, rồi đến Seminyak.

Hiện tại, những tòa nhà bê tông mọc lên trên mọi con phố ở Canggu. Các nhà phát triển bị thu hút bởi giá đất tương đối rẻ. Nhưng khu vực này đang “bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng”, Sukma nói, vì “không có quy hoạch tổng thể”.

Những người dân địa phương như trưởng cộng đồng truyền thống Made Kamajaya, người sinh ra và lớn lên ở Canggu, có mối quan hệ yêu-ghét với du lịch.

Ông nói: "Nền kinh tế của người dân địa phương đang ngày càng tốt hơn. Nhưng môi trường xung quanh chúng tôi đã thay đổi. Bạn đang nhìn thấy sự tàn phá phía sau ngôi nhà, trước cửa nhà bạn... Chúng tôi đang đối mặt với sự phát triển không kiểm soát được, trong đó gần 90% không quan tâm đến môi trường. Không trồng cây, không xử lý chất thải".

Ông lo lắng rằng “tất cả dự án cơ sở hạ tầng không được kiểm soát sẽ đe dọa chính ngành du lịch”.

Những cánh đồng biến mất

Ngay cả ruộng bậc thang Jatiluwih ở trung tâm Bali - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là một trong những lý do khiến du khách ghé thăm hòn đảo - cũng có nguy cơ bị đô thị lấn chiếm.

"Luôn luôn có công trình mới. Ban đầu là một túp lều nhỏ, sau đó dần dần biến thành một nhà hàng", hướng dẫn viên du lịch Wayan Kaung cho biết.

Anh đưa khách du lịch đến Jatiluwih ít nhất 4 lần/tuần. Người nước ngoài phải trả 50.000 rupiah (3 USD) phí vào cửa, trong khi người Indonesia phải trả 15.000 rupiah (gần 1 USD).

"Tôi đã chứng kiến cánh đồng lúa bị tàn phá gần nhà. Có nhiều khu nhà ở phức hợp, quy định chuyển đổi đất đai chưa rõ ràng. Vì vậy chúng ta phải thu phí để bảo vệ những thứ như thế này", anh nói.

Môi trường thiên nhiên ở Bali không còn như trước vì du lịch quá mức.

Nhưng nó không bảo vệ được ruộng lúa một cách triệt để. Một báo cáo năm 2018 của Viện xuyên quốc gia phi lợi nhuận có trụ sở tại Amsterdam ước tính rằng Bali đã mất 1.000 ha đất nông nghiệp để phát triển mỗi năm trong 15 năm trước đó.

Theo một nghiên cứu gần đây của giáo sư nông nghiệp Wayan Windia của Đại học Udayana, hòn đảo này đang bị thiếu hụt 100.000 tấn gạo/năm.

Khoảng 65% lượng nước ngầm của Bali được dùng cho ngành du lịch, làm cạn kiệt hơn một nửa số sông trên đảo và đe dọa các địa điểm như Jatiluwih.

Đối với một số nông dân, việc bán đất của họ cho các nhà phát triển sẽ sinh lời hơn là kiếm sống bằng nghề nông.

Kaung nói: "Chỉ cần có view đẹp là có cơ hội xây biệt thự. Nếu một người bán đất để xây biệt thự, những người khác sẽ nhảy vào cuộc".

Một số nông dân còn lại kiếm thêm thu nhập bằng cách làm đồ thủ công.

"Vì những cơ hội mà du lịch mang lại, dân làng chăm chỉ làm đồ thủ công. Nhưng họ chỉ nhận được một số tiền ít ỏi. Thật không công bằng. Đó là điều chúng tôi muốn giải quyết", Agung Alit, người sáng lập Mitra Bali, cho biết.

Doanh nghiệp xã hội của ông mua và bán đồ thủ công từ những nghệ nhân người Bali.

Tình huống trớ trêu - rằng Bali quá phụ thuộc vào ngành du lịch được cho là đang phá hủy hòn đảo - lại không hề ảnh hưởng đến Alit. "Du lịch đã ăn sâu vào Bali. Thay đổi điều này là một thách thức", ông nói.

Tương lai nào cho Bali

Khi mối lo ngại về tác động của tình trạng quá tải du lịch ngày càng tăng, chính phủ đã hứa hẹn về một tương lai bền vững hơn cho Bali.

Tháng 7 năm ngoái, Thống đốc sắp mãn nhiệm Koster đã ban hành các hướng dẫn mới về sự phát triển của Bali trong 100 năm tới (2025-2125), trong đó bao gồm việc bảo vệ thiên nhiên, văn hóa và người dân Bali.

Lần đầu tiên, chính phủ thừa nhận tác động của du lịch đại chúng đối với Bali, lấy ví dụ như việc chuyển đổi đất đai, vi phạm các địa điểm linh thiêng, hủy hoại môi trường cũng như các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Du khách chụp hình với cây thiêng tại đảo Bali.

"Một trong những lo ngại là Bali đang bị coi là điểm đến du lịch giá rẻ. Hy vọng rằng chúng tôi có thể giảm thiểu điều đó để có thể làm tốt hơn cho Bali trong tương lai", Tjok thuộc cơ quan du lịch địa phương cho biết.

"Chúng tôi muốn có những du khách tôn trọng văn hóa Bali. Thứ hai, chúng tôi muốn những du khách sẵn sàng ở lại lâu hơn. Hy vọng rằng họ cũng sẽ chi nhiều tiền hơn".

Kể từ ngày 14/2, chính phủ đã đánh thuế du lịch. Số tiền thu được nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa của Bali và bảo vệ môi trường.

"Môi trường là ngôi nhà lớn của chúng tôi", Tjok cho biết.

Về quản lý giao thông, các biện pháp được thực hiện bao gồm xây dựng đường mới, triển khai kế hoạch phát triển hệ thống vận tải đường sắt hạng nhẹ.

Tuy nhiên, sức mạnh của du lịch có thể áp đảo một số kế hoạch của chính phủ.

Vào tháng 1, mức thuế giải trí được đề xuất lên tới 75% đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của ngành du lịch. Mức thuế cao cuối cùng bị hoãn lại.

Tháng 5 năm ngoái, Koster tuyên bố cấm các hoạt động du lịch trên tất cả 22 ngọn núi linh thiêng của Bali, đổ lỗi cho hành vi sai trái của khách du lịch. Nhưng các hoạt động vẫn tiếp tục và lệnh cấm đã được dỡ bỏ.

Khi quá trình phục hồi du lịch sau đại dịch vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi, với những tuyết đường cao tốc tắc nghẽn, rác vứt xuống biển và cánh đồng dần biến mất, thiên đường có vẻ đang mất đi với nhiều người.

Ballinger, người đã kết hôn với một cư dân Bali và có hai con trai và ba cháu, cho biết: "Bali sắp biến mất. Không đời nào những 'rừng' bê tông này có thể biến trở lại thành ruộng lúa hoặc thành thứ gì đó mang đậm chất Bali".

Lê Vy

Ảnh: Washington Post, Daily Telegraph