Bản tin kinh tế 3/12: Xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD; kiến nghị hóa đơn xăng dầu

- Xuất nhập khẩu đã vượt mốc 600 tỷ USD

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD (theo Báo Chính phủ).

- Doanh nghiệp kiến nghị không xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng dầu dưới 200.000 đồng

Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho hay, hiện, nhiều nhà bán lẻ đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử ngay sau khi kết thúc lượt bơm đối với khách hàng có mã số thuế.

Doanh nghiệp này kiến nghị đối với khách hàng mua lẻ với số lượng từ 10.000 đồng đến dưới 200.000 đồng nếu không yêu cầu xuất hóa đơn được thì doanh nghiệp gom lại để xuất hóa đơn vào cuối ngày (1 hóa đơn cộng chung) (theo Người Lao Động).

- Trái phiếu phát hành của ngành xây dựng và vật liệu giảm mạnh

Theo giới quan sát, quy mô phát hành trái phiếu của ngành xây dựng và vật liệu có sự sụt giảm mạnh. Trong khi đó, ngân hàng và bất động sản tiếp tục là hai ngành có quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất (theo Lao Động).

- Bộ Công Thương: Chiết khấu cho đại lý bán lẻ xăng dầu hạn chế sự cạnh tranh

Bộ Công Thương vừa trả lời phản ánh kiến nghị của ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), liên quan đến chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, nếu quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu thì cũng phải quy định tương tự cho các loại hình thương nhân khác trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Quy định như vậy sẽ hạn chế tính linh hoạt cũng như hạn chế sự cạnh tranh về chi phí giữa các thương nhân. (Xem thêm)

- Thêm 2 dự án thành phần đường dây 'cứu điện' cho miền Bắc được duyệt

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký các quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư 2 dự án truyền tải điện đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, tạo điều kiện cho việc cấp điện cho miền Bắc sau khi hoàn thành.

Đây là hai dự án thành phần thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được giao đầu tư 2 dự án. (Xem thêm)

Dự án truyền tải 500kV Quảng Trạch đến Phố Nối có vai trò đặc biệt quan trọng trong cấp điện cho miền Bắc.

- Tập đoàn Mỹ bán hết vốn tại nhiệt điện Mông Dương 2

AES - tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ - vừa thông báo chốt bán 51% cổ phần sở hữu tại Nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh) cho đối tác Cộng hòa Czech. Việc thoái vốn tại Nhiệt điện Mông Dương 2 là bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải thấp mà AES theo đuổi. (Xem thêm)

- Những ngân hàng nào được nới room tín dụng?

Ngân hàng Nhà nước không công bố cụ thể những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng. Song dựa trên tiêu chí để được cấp thêm room tín dụng, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng TMCP lớn nhiều khả năng được "chỉnh room". (Xem thêm)

- 4.000 nhân viên còn 37: Ông lớn dệt may bán tài sản, hướng sang bất động sản

CTCP Garmex ài Gòn (GMC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may sẽ lỗ rất nhiều. Do vậy, công ty đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại. Số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn giảm từ 4.000 người trong giai đoạn 2017-2021xuống chỉ còn 37 người vào cuối tháng 9/2023. (Xem thêm)

- Sasco của "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn báo lãi tăng mạnh

Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - mã SAS), doanh nghiệp do "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT, công bố báo cáo tài chính quý III/2023 tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý III của Sasco đạt 714 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý III tăng 269%, ở mức 130 tỷ đồng (theo Người Lao Động).

- Ồ ạt phá bỏ hàng trăm hecta 'cây làm giàu'

Dù được xem là cây “xóa đói giảm nghèo”, thậm chí là 'cây làm giàu' cho nông dân, nhưng chỉ sau chưa đầy 3 năm trồng, hàng trăm hecta cây gai xanh ở Thanh Hóa đã bị chặt bỏ. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 219ha bị phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác. (Xem thêm)

- Mua vàng giá ‘đỉnh’, hơn một năm mới ‘về bờ’

Giá vàng trong nước tăng mạnh lên 74 triệu đồng/lượng. Một số nhà đầu tư “đu đỉnh” mua vàng tháng 3/2022 nay “về bờ”. (Xem thêm)

Giá vàng hôm nay 3/12 trên thị trường thế giới kết thúc tuần tăng tiếp theo. Giá vàng trong nước trở lại mốc 74 triệu đồng/lượng.

Hạnh Nguyên