Đổi thay nơi vùng biên

Chị Giàng Thị Giấy ở thôn Sín Chải B, xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương) là điển hình phát triển kinh tế với mô hình nuôi lợn đen bản địa. Với sự nhạy bén, năm 2015, chị mạnh dạn vay vốn xây chuồng nuôi nhốt gia súc, thay thế phương thức nuôi thả rông như trước. Trung bình mỗi năm, chị Giấy xuất bán 2 lứa lợn thịt với sản lượng trên 5 tấn. Chị còn cung ứng lợn giống cho bà con. Việc chăn nuôi hiệu quả đã giúp chị thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Gia đình chị không những thoát nghèo mà còn xây dựng được căn nhà khang trang và mua xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày.

Gia đình chị Giấy làm giàu từ mô hình nuôi lợn đen bản địa.

Trưởng thôn Lừu Seo Hoa cho biết: Cũng như chị Giấy, các hộ ngày càng ý thức trong khâu nuôi nhốt và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, tổng đàn lợn không ngừng tăng. Người dân ngày càng có thu nhập tốt nhờ chăn nuôi.

Thôn Sín Chải B có 66 hộ, 100% là dân tộc Mông. Những năm qua, thôn triển khai hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả (trồng quýt). Trên địa bàn thôn còn hình thành nhiều loại hình kinh tế mới, như thành lập các tổ đội xây dựng, kinh doanh vận tải, phát triển nghề may, thêu thổ cẩm...

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thôn Sín Chải B, xã Tả Ngài Chồ ngày càng no ấm.

Dạo một vòng quanh thôn Sín Chải B, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống sung túc, nhiều nhà xây “mọc” lên, thậm chí có những căn biệt thự được xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Ít ai biết rằng, nơi đây 45 năm về trước đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của ông Chấu Quán Dín, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tả Ngài Chồ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.

Người dân trong thôn luôn khắc ghi công lao của ông Chấu Quán Dín, vì vậy bà con đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, từng bước đưa Sín Chải B vươn lên, trở thành điểm sáng vùng biên.

Ông Lừu Seo Hoa, Trưởng thôn Sín Chải B, xã Tả Ngài Chồ.

Diện mạo nông thôn khu vực trung tâm xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương).

Đi ngược biên giới, từ ngã ba sông - nơi thành phố biên cương - đến Lũng Pô (Bát Xát) - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, điều dễ nhận thấy là cuộc sống của người dân vùng biên ngày càng thay đổi nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Dừng chân ở thôn Tân Quang, xã biên giới Trịnh Tường (Bát Xát), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no hiện hữu trên từng nếp nhà. Ông Ngô Minh Lý, Bí thư Chi bộ thôn tính nhẩm, thôn có 141 hộ thì có 116 hộ có nhà xây kiên cố. Hiện cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.

Những năm qua, Tân Quang tập trung vào 3 mũi nhọn phát triển kinh tế, đó là lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc và thủy sản. Ông Lý kể: Có những hộ, năm vừa qua thu hơn 500 triệu đồng từ bán đồi cây, còn số hộ có nguồn thu từ 100 - 200 triệu đồng thì nhiều. Có những hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, làm nhà lưới, ươm giống cây ăn quả, phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Người dân thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường tích cực phát triển mô hình kinh tế mới.

Nhà văn hóa thôn treo đầy bằng khen, giấy khen do trung ương, địa phương khen thưởng cán bộ và Nhân dân thôn Tân Quang. Thôn dành vị trí trang trọng cho Chi hội Cựu chiến binh trưng bày những thành tích nổi bật. Chi hội là nơi sinh hoạt của nhiều hội viên đã từng chiến đấu bảo vệ quê hương năm 1979, nơi họ cùng ôn lại những kỷ niệm vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Ông Ngô Minh Lý cho biết: Khi trở về đời thường, họ luôn tỏa sáng phẩm chất người lính, góp sức xây dựng Tân Quang ngày càng phát triển. Tiêu biểu như các cựu chiến binh: Vũ Văn Dưỡng, xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp quy mô hơn 10 ha; Vũ Văn Tuy tập trung phát triển mô hình vườn - rừng; Nguyễn Ngọc Lạng với mô hình vườn - ao - chuồng mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...

Thôn Tân Quang được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Ngọc Lạng nguyên là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Trịnh Tường giai đoạn 1978 - 1980. Sau này, ông đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã. Ông công tác đến năm 2004 thì nghỉ hưu. Nay ở tuổi 75, ông Lạng vẫn miệt mài cống hiến cho địa phương, giữ cương vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trịnh Tường. Hơn ai hết, ông là người nắm rõ quá khứ lịch sử với những đau thương không thể nào bù đắp. Chứng kiến nhịp sống sinh sôi, sự đổi thay vượt bậc của Tân Quang nói riêng và Trịnh Tường nói chung sau 45 năm, ông Lạng tự hào: "Tôi rất phấn khởi khi quê hương ngày càng đổi mới, thực sự là miền quê đáng sống".

Tôi rất phấn khởi khi quê hương Trịnh Tường ngày càng đổi mới, thực sự là miền quê đáng sống.

Ông Nguyễn Ngọc Lạng, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Trịnh Tường giai đoạn 1978 - 1980.

Cũng như Tân Quang và Sín Chải B, nhiều thôn, bản vùng cao hoang sơ, heo hút, ít ai biết ngày trước thì nay đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế vùng biên, đi đầu các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu như thôn biên giới Lũng Pô, xã A Mú Sung (Bát Xát), nơi sinh sống của hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì có thu nhập bình quân 34 triệu đồng/người/năm; thôn người Dao Nậm Sò, xã Bản Phiệt (Bảo Thắng) hiện không còn hộ nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 10%; hai thôn biên giới Lao Chải và Chúng Chải B (thị trấn Mường Khương) trở thành “thủ phủ” quýt của huyện Mường Khương với tổng diện tích hơn 100 ha...

Diện mạo nông thôn xã Pha Long (Mường Khương).

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân vùng biên đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Người từ miền xuôi lên miền ngược, luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.