Bên lề Quốc hội khóa XV: Nhận diện khó khăn, linh hoạt chính sách

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, ốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

* Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Cà Mau): Nhận diện tồn tại, khó khăn để vận hành linh hoạt

Báo cáo của Chính phủ rất rõ ràng về kết quả và những thành tích đạt được. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên dễ bị tác động tiêu cực từ bên ngoài nên cần phải chủ động tính toán, đối diện để khắc phục những thách thức đó. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam có sức chống chịu yếu nên khi cộng hưởng với tác động bên ngoài thì dễ phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Đại biểu Lê Minh Nam – đoàn Cà Mau. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, chủ động trong phối hợp thực hiện chính sách, Nghị quyết của Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ trong quá trình quản lý, điều hành…, nền kinh tế đã đạt được những kết quả khá tích cực trong thời gian qua. Dù chỉ tiêu tăng trưởng có thể chưa đạt được mục tiêu đặt ra, nhưng so với mặt bằng của khu vực và thế giới thì vẫn rất khả quan.

Đây là những tiền đề tốt trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thời gian tới. Với điểm tích cực đáng ghi nhận là đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, giữ được các cân đối lớn sẽ giúp Việt Nam có nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế dù thời gian tới còn có nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.Chính phủ cũng đã thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế, những điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới. Đặc biệt là trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rất rõ 11 nhóm giải pháp để triển khai quản lý điều hành kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh an sinh xã hội, thực hiện chính sách đối ngoại…Những chủ trương, chính sách đã được định hướng sẽ mang lại kết quả tích cực. Cùng đó, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cũng được nhìn nhận ở cả góc độ khách quan và chủ quan để có sự vận hành linh hoạt, thích ứng. Trong quá trình giải quyết các vấn đề về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra rất nhiều giải pháp, nhất là ở góc độ chính sách tài khóa. Chẳng hạn như chính sách về thuế, phí, vấn đề về chi tiêu đầu tư công để tạo cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Khi đầu tư công các công trình hạ tầng phát triển sẽ giúp thúc đẩy nền tảng nền kinh tế phát triển.Đối với những chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng cũng đã giúp doanh nghiệp có điều kiện hấp thụ được nguồn vốn rộng hơn. Thông qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế. Về phía Quốc hội cũng vừa chủ động phối hợp, hỗ trợ trong xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý để kinh tế phát triển. Đồng thời, thông qua đó giám sát hoạt động của Chính phủ, cũng như cơ quan có liên quan để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp quy định của pháp luật, mang lại hiệu quả cao nhất.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Ứng phó với thách thức đứt gãy nguồn cung

Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Cùng đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định trong khi thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn. Tôi đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn và việc tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt hiệu quả… Chính phủ cũng trình và tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất; trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại nợ, ổn định tỷ giá, lãi suất, kiểm soát lạm phát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hằng

Tuy nhiên, kinh tế thế giới ngày nay đang gặp phải những thách thức như xung đột, tranh chấp thương mại toàn cầu rất lớn nên dễ dẫn đến đứt gãy nguồn cung. Vì vậy, tôi kiến nghị cần quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ngày nay đang gia tăng. Hơn nữa, cần ưu tiên xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa, thị trường lân cận, khu vực ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ.

Cùng đó, biến đổi khí hậu ngày nay hết sức khắc nghiệt, thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường… Do đó, trong phân bổ vốn đầu tư cần lưu ý đến các địa phương bị tổn thương nặng nề bởi biến đổi khí hậu, cụ thể như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, trước xu thế chung của toàn cầu, yêu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đảm bảo các tiêu chí xanh. Do đó, cần tính toán để có hỗ trợ trong việc chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng sạch, nhiên liệu sạch và phải phát triển thị trường. Trong số đó, cần quan tâm đến khu vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam để giúp nông dân được hưởng lợi nhuận kép.
* Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Châu): Ưu tiên vốn thực hiện chương trình cấp điện nông thôn

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có xác đinh nhiệm vụ “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025”. Nhưng đến nay đã giữa năm 2024, theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước vẫn còn 160.000 hộ chưa có điện; 715.000 hộ dân cần cải tạo lại đường điện trên địa bàn gần 3.000 xã; trong đó, có 1.075 xã khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn với nhu cầu kinh phí khoảng trên 29.000 tỷ đồng.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Nội dung này ngay từ năm 2021 đã được Chính phủ và Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên theo trả lời của cơ quan chuyên môn, đến nay vẫn chưa cân đối được kinh phí đầu tư. Dự án này đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, không thể thu hồi vốn ngay và cần có lộ trình, thứ tự ưu tiên. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm vì từ nay đến hết nam 2025 thời gian không còn nhiều.

Đối với tỉnh Lai Châu - địa phương cung cấp cho lưới điện Quốc gia trên 5.000 MW và đến nay đã hòa lưới điện Quốc gia trên 2.000 MW với trên 40 thủy điện lớn nhỏ đã đi vào hoạt động. Tỉnh hiện còn 22 bản chưa có điện, tập trung các xã biên giới vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu kinh phí trên 200 tỷ đồng. Địa phương chưa cân đối được kinh phí đầu tư nên rất thiệt thòi cho đồng bào vì không có điện đi cùng với việc nhiều “không”. Vì vậy tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm cân đối nguồn kinh phí để bố trí đầu tư.* Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên): Tạo đột phá cho công nghiệp chế biến, chế tạoCông nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng của sản xuất công nghiệp – động lực chính để tăng trưởng kinh tế chung trong nhiều năm qua. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế thu hút đầu tư. Do đó, cần có cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích những ngành, lĩnh vực mới nổi và mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chung.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn Hưng Yên. Ảnh: TTXVN

Theo đó, chú trọng phát triển các ngành kinh tế có tính chất nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, khai thác khoáng sản… Từ đó, tạo nguồn động lực mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Thu Hằng - Văn Giáp/BNEWS/TTXVN