Bình Định phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP

Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh ình Định Lâm Hải Giang ký ban hành mới đây.

Theo đó, về kinh tế số, mục tiêu Bình Định đến năm 2025 phấn đấu chiếm 10% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%. Chủ trì của các chỉ tiêu trên lần lượt thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở LĐ-TB&XH, Sở Công Thương.

Với xã hội số, đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe đạt 90%. Những chỉ tiêu trên thuộc về Sở TT&TT, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bình Định, Sở Y tế.

Bình Định phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 15% đến 20% GRDP

Đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 15% đến 20% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%.

Về xã hội số, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95% trở lên. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe đạt trên 95%.

Cùng với đó, theo ông Lâm Hải Giang tỉnh cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số và xã hội số ngành, lĩnh vực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Tham mưu triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát tàu cá khai thác vùng ngoài khơi phục vụ công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Xây dựng hệ thống dữ liệu về nuôi trồng thủy sản nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết...để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở buôn bán vắc xin, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi...

Với lĩnh vực y tế, triển khai Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Triển khai Nền tảng quản lý trạm y tế xã. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Logistics là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian đến của Bình Định

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, triển khai Nền tảng số dạy, học trực tuyến. Triển khai quản lý mã định danh, xác thực người dùng trên môi trường số của ngành giáo dục. Triển khai ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc giữa nhà trường với gia đình. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí.

Lĩnh vực công thương, tỉnh tập trung tham mưu đề xuất đẩy mạnh sử dụng nền tảng sàn ương mại điện tử. Tham mưu triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của các trung tâm logistics... Phối hợp quản lý, giám sát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử; chống hàng gian, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử trực tuyến. Phối hợp triển khai Chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển dựa trên các nền tảng thương mại số của Việt Nam.

Lĩnh vực du lịch, tham mưu triển khai Nền tảng bảo tàng số.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Lâm Hải Giang trao quyết định giao chỉ tiêu KT-XH và giao ước thi đua năm 2024 cho các đơn vị

Lao động, việc làm và an sinh xã hội sẽ tham mưu triển khai Nền tảng dữ liệu số về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Hình thành nền tảng hợp đồng lao động điện tử và thúc đẩy người lao động và tổ chức sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động điện tử. Triển khai sổ lao động điện tử cho người lao động.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tham mưu triển khai hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường, ưu tiên xây dựng Nền tảng dữ liệu đất đai, bản đồ số, tích hợp và liên thông dữ liệu đất đai.

“Ở lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, tham mưu triển khai phát triển các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ; bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm liên quan đến chuyển đổi số.

Và Thông tin và Truyền thông, sẽ tham mưu triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” – ông Giang cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trao quyết định giao chỉ tiêu KT-XH và giao ước thi đua năm 2024 cho các đơn vị

Tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2024 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm quyết định kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh; năm đầu tiên chúng ta tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nỗ lực hơn nữa, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy tính năng động, tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt với tinh thần “bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2024.

Cam kết của người đứng đầu các sở, ngành

Cam kết với lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương đã trình bày các giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao…

Giám đốc Sở Công Thương Bình Định Ngô Văn Tổng: “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư…"

Năm 2023, ngành Công Thương đã triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những tín hiệu tích cực…

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,5% so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2023 ước đạt 103.103 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022 (đây cũng là lần đầu tiên Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của tỉnh vượt mức 100 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khá). Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.600 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm…

Bình Định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ngành Công Thương ra sức khắc phục những khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.

Cụ thể, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Theo dõi tình hình thị trường hàng hóa để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu mới.

Sở Công Thương tin tưởng rằng, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại trong năm 2024 của ngành Công Thương, sự chung sức đồng lòng phấn đấu của các DN và sự phối hợp của các cơ quan liên quan, các địa phương sẽ mang lại kết quả thành công trong việc thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định trong năm 2024.

Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam: “Thu hút đầu tư của các DN có tiềm năng về vốn, công nghệ cao”

Trên cơ sở các chỉ tiêu giao của tỉnh, UBND thành phố đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2024.

TP Quy Nhơn tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đặc biệt, tập trung khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch. Tập trung quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư các DN mới, nhất là các DN có tiềm năng về vốn, công nghệ cao, thân thiện môi trường và tạo điều kiện cho những DN đã đi vào hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh; ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội…

Cùng với đó xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch TP Quy Nhơn năm 2024; tổ chức tốt chuỗi sự kiện Tuần lễ văn hóa - thể thao, carnaval và âm nhạc đường phố hưởng ứng Giải Đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM-F1H20 và UIM-ABP Aquabike Bình Định 2024…

UBND thành phố đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2024

Thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách năm 2024, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu được tỉnh giao; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ thu với việc phân bổ, giao dự toán chi ngân sách và trách nhiệm của người đứng đầu tại các xã, phường trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định Phan Chí Hùng: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”

Năm 2023, UBND huyện Tây Sơn triển khai đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu.

Để có được những kết quả này, huyện Tây Sơn tập trung vào ba giải pháp: Tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại trong năm trước; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và trong đó quan trọng nhất là truyền cảm hứng đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của các ngành; Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với mỗi xã một sản phẩm.

Năm 2024, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Tây Sơn chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm của các ngành sản xuất chính kịch bản thấp tăng 9,1%, kịch bản cao tăng 9,5%, huyện Tây Sơn đã mạnh dạn đăng ký kịch bản cao đó là tăng trưởng 9,52%.

Để đạt được kết quả cao trong thời gian tới, huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục duy trì và rút kinh nghiệm hơn nữa ba giải pháp đặt ra, đồng thời sẽ tập trung thêm một giải pháp quyết định là trách nhiệm của của cán bộ, công chức, sẽ đề cao trách nhiệm, tập trung toàn tâm, toàn ý cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công.

Công Sáng - Nguyễn Hiền