Bộ Tài chính đi đầu trong chuyển đổi số

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Chủ động chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (TH&TKTC), Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tổng số DVCTT thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774, trong đó 367 DVCTT toàn trình, 127 DVCTT một phần và 280 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong năm 2023, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng 10/12 kho cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành Tài chính liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu gồm: ngân sách nhà nước, thuế, kho bạc, hải quan, chứng khoán, dự trữ, quản lý giá, tài sản công và được kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chủ trương “Chuyển đổi số” của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã và đang nỗ lực cải cách, hiện đại công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng số, dữ liệu số.

Top đầu trong nhiều bảng xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin

Liên tục 7 năm qua, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63, tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử (theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP), với hơn 6 tỷ hóa đơn đã được cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 57 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử.

Đối với lĩnh vực Hải quan, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê – Tổng cục Hải quan, cho biết, Tổng cục Hải quan đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 67 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin Kho bạc Nhà nước cho biết, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp DVCTT toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Dịch vụ công trực tuyến. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý kho bạc đã triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống Kho bạc nhà nước (KBNN). KBNN cũng đã triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa giúp cho người dùng của các đơn vị sử dụng ngân sách không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký, cho phép kiểm tra sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay) khi sử dụng, góp phần tăng cường an toàn, an ninh thông tin mạng.

Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững

Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết và các quyết định về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2023 (Quyết định số 777/QĐ-BTC ngày 12/4/2023)...

Theo ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục TH&TKTC, xác định năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia với 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Với vai trò của mình, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi scủa Bộ Tài chính năm 2023, trong đó, xác định thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng thuế điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thời gian qua, hoạt động huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số luôn được quan tâm. TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, huy động nguồn lực tài chính quốc gia đến từ 3 trụ cột.

Đầu tiêu là nguồn lực tài chính công, khung khổ pháp luật về tài chính công được cải cách mạnh mẽ để khơi thông nguồn lực cho phát triển bền vững như chính sách thuế, phí, lệ phí... Hai là nguồn lực tài chính tư nhân trong nước, trong đó tập trung phát triển thị trường tài chính, có chính sách khuyến khích xã hội hóa.... Ba là, huy động thêm nguồn bên ngoài với đa dạng các kênh huy động vốn: FDI, FPI, ODA, trái phiếu quốc tế...

"Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.

Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…" - ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính.

Đức Minh