'Bức tranh khác' của ngành ngân hàng

Bức tranh ngành ngân hàng năm nay lại nổi lên với hiện tượng “ngân hàng thừa tiền”.

Cách xa mục tiêu tăng trưởng

Sau năm 2022 với hiện tượng lãi suất tăng trên mọi “mặt trận”, tình trạng cạn room tín dụng tại các ngân hàng, giải ngân nhỏ giọt,... bối cảnh năm 2023 của ngành ngân hàng lại là một bức tranh trái ngược khi ngay từ đầu năm tín dụng đã tăng rất chậm mặc dù lãi suất có xu hướng giảm.

Tính tới tháng 6, tăng trưởng toàn hệ thống đạt 4,7%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm trước, thậm chí tới tháng 7, tăng trưởng tín dụng còn bị thụt lùi so với tháng trước (chỉ đạt 4,56%).

Tình trạng tăng trưởng tín dụng nhỏ giọt thể hiện khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế. Chia sẻ tại buổi họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng vào đầu tháng 9, Phó Thống đốc ân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”.

Mặc dù tín dụng trong 3 tháng gần đây đã tăng trưởng nhanh hơn, nhưng con số đạt được vẫn còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng mà ngành ngân hàng đề ra từ đầu năm (14-15%). Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 13/12 đạt 9,87%. Con số này cải thiện hơn rất nhiều so với mức 6,92% đạt được vào cuối tháng 9.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng này, toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực rất lớn. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2023 toàn hệ thống ngân hàng phải “chữa bệnh thừa tiền”

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành khắp cả nước nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tiếp cận tín dụng.

Nhằm thúc đẩy tín dụng vào nền kinh tế, trong tháng 12, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 38 ngân hàng thương mại cùng nhiều bộ, ban, ngành có liên quan để tìm cách khơi thông dòng vốn. Không chỉ riêng ngành ngân hàng, nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan và cả doanh nghiệp, người dân cũng được kêu gọi phải đồng lòng để thực hiện mục tiêu đề ra.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, tuy tín dụng vào cuối năm thường tăng nhanh hơn bình thường nhưng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% khó khả thi. Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia phân tích dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 10 - 12%.

Sự trầm lắng không chỉ xảy ra ở đầu ra của vốn ngân hàng. Ở chiều huy động, thị trường cũng kém sôi động khi thiếu đi sự cạnh tranh bằng các hình thức tăng lãi suất, tặng quà, trúng thưởng như các năm trước. Với thông điệp giảm lãi suất được nhà điều hành đưa ra từ đầu năm, các ngân hàng được yêu cầu cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn của các doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2,0 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Tính đến hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78% đến 5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn trong dịch Covid-19. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng nước ngoài giảm về 2,8%/năm, thấp hơn 50 điểm cơ bản so với giai đoạn 2021.

Mặc dù vậy, theo số liệu công bố chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm ngoái, cao gần bằng so với tăng trưởng tiền gửi của cả năm 2022. Điều này được lý giải bởi sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hay đầu tư kinh doanh...

Năm 2024 Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hòa tăng trưởng tín dụng

Chờ triển vọng 2024

Mặc dù triển vọng ngành ngân hàng được dự báo vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2024, vẫn có những điểm tích cực có thể trở thành động lực hỗ trợ như: Biên lãi thuần (NIM) đang trên đà hồi phục, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trở lại,... cũng như tín hiệu cắt giảm lãi suất trong thời gian tới của ục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc SSI Research dự báo, ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024 dựa trên giả định rằng tăng trưởng tín dụng 2024 khá hơn so với 2023, đặc biệt vào nửa cuối năm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm sau, CASA, NIM hay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Với những kỳ vọng về nền kinh tế năm tới tốt hơn thì tổng thu nhập năm 2024 của các ngân hàng sẽ tốt hơn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hòa tăng trưởng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ khi vừa hạ lãi suất vừa phải đảm bảo ổn định tỷ giá; vừa mở rộng tín dụng nhưng phải đảm bảo chất lượng nợ xấu; giảm lãi suất vay nhưng không giảm nhiều lãi suất huy động…

Ngân Thương