Bức tranh kinh tế thế giới từ những góc nhìn đa chiều

Bức tranh kinh tế thế giới từ những góc nhìn đa chiều.

Đến cuối năm 2023, báo cáo của nhiều học giả và các tổ chức quốc tế đa phần kết luận nền kinh tế thế giới đã “hạ cánh mềm” với những sắc thái thận trọng khác nhau. Các dự báo vào cuối năm 2023 đa phần đều được điều chỉnh tích cực hơn so với giữa năm.

Cụ thể, ên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng đạt 3,1%, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3,0%, giữ nguyên dự báo tháng 7/2023; Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng đạt 2,9%, cao hơn 0,4% so với dự báo tháng 9/2023; Ngân hàng thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu đạt 2,1% năm 2023, giữ nguyên dự báo trong tháng 6/2023.

Kinh tế thế giới “hạ cánh mềm” nhưng còn tiềm ẩn nhiều thách thức

Trong năm 2023, căng thẳng địa chính trị tiếp tục là nhân tố tác động nổi bật. Xung đột giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi đó, giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas bất ngờ bùng phát. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, các cuộc xung đột này còn gây biến động thị trường tài chính và giá hàng hóa toàn cầu như năng lượng và lương thực. Điều này đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát, làm gia tăng tính bất định, khó dự đoán của kinh tế thế giới.

Cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù hai bên đã có những nỗ lực cải thiện tình hình. Trong năm 2023, vấn đề nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung là cuộc chiến công nghệ căng thẳng, khi hai bên chạy đua quyết liệt để giành vị trí thống trị ở những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ô tô điện và năng lượng sạch. Nhiều biện pháp hạn chế thương mại được mỗi bên đưa ra nhằm cản bước tiến của đối phương trong các lĩnh vực này.

Những nhân tố tác động đến kinh tế thế giới năm 2024 và trung hạn

Đối với năm 2024, hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy giảm và đạt mức thấp hơn năm 2023. Tăng trưởng toàn cầu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào động lực của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong khi trên 93% các nền kinh tế phát triển sẽ bị chậm lại.

Xu thế “thập kỷ mất mát” do các động lực tăng trưởng đều suy yếu

Theo báo cáo của ân hàng thế giới (3/2023), tăng trưởng kinh tế thế giới trong một thập kỷ tới tiếp tục tăng trưởng đuối dần do những động lực cơ bản đều giảm sút.

Sự giảm tốc trong sản suất, yếu tố then chốt cho thu nhập và tiền lương, đang giảm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Đầu tư, động lực thúc đẩy mở rộng kinh tế, chỉ tăng trưởng bằng một nửa so với hai thập kỷ trước.

Lực lượng lao động toàn cầu tăng trưởng chậm do tình trạng dân số già ở các nền kinh tế phát triển và tăng dân số giảm tốc ở nhiều nền kinh tế đang phát triển. Thương mại quốc tế sa sút do giảm tổng cầu toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự gián đoạn đối với giáo dục và y tế, gây ra những hậu quả lâu dài đối với sản lượng kinh tế tiềm năng.

Xung đột và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là nguy cơ hiện hữu

Trong năm 2024, có 61% nhà kinh tế trưởng tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đi vào xu thế suy thoái. Trong số này, 90% tin rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn kinh tế toàn cầu trong năm 2024 là do các tác động của khủng hoảng địa chính trị (WEF, 2023). Khủng hoảng địa chính trị đã trở thành một yếu tố nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn cầu, góp phần tạo ra sự bất ổn và bất định trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Cạnh tranh Mỹ-Trung bất lợi cho kinh tế thế giới

Nhiều học giả cho rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục là nhân tố mang lại nhiều rủi ro đối với tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Quan hệ Mỹ-Trung bước sang giai đoạn bất định, căng thẳng và khó kiểm soát do hai bên không có được tầm nhìn chung về định hình quan hệ hợp tác. Hai nước có nhiều động thái trả đũa lẫn nhau, phân tách thị trường, chuỗi cung, công nghệ... Xu hướng “an ninh hóa” quá mức các quan hệ kinh tế thương mại, khoa học công nghệ dẫn đến sự nghi ngờ và chia rẽ, tạo nguy cơ phân mảng kinh tế quốc tế, đặt các quốc gia khác trước áp lực phải chọn bên.

Những rủi ro từ kinh tế Trung Quốc và châu Âu

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo thách thức trong năm 2024 đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ là hướng tăng trưởng đi xuống. Ông Logan Wright (Rhodium Group) nhận định: “Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc mang tính cấu trúc, gây ra bởi sự kết thúc của việc mở rộng tín dụng và đầu tư chưa từng có trong thập kỷ qua”.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi giá tiêu dùng thường xuyên ở mức yếu trong 2023 do tổng cầu yếu đang đe dọa nguy cơ vòng xoáy giảm phát. Bất động sản tăng nóng thời gian dài, gặp cú sốc của Covid-19 làm đình trệ thị trường, gây nguy cơ vỡ bong bóng. Đây là những hiểm họa đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

UNCTAD cảnh báo, lo ngại về triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc làm dư luận ít chú ý đến các nguy cơ của kinh tế châu Âu. Kinh tế khối này có tỷ trọng toàn cầu tương đương với Trung Quốc (xấp xỉ 18% tính theo sức mua tương đương).

Trong khi tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc hiện nay đã giảm khoảng 30% so với so với mức trung bình trước Covid-19 (2015–2019), tốc độ tăng trưởng ở châu Âu đã giảm tới 70% mỗi năm. Việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở khu vực đồng Euro đứng trước nguy cơ mất cân bằng, có thể rơi vào suy thoái vào năm 2024.

Nợ công và chính sách siết chặt tài chính của các nước phát triển tiếp tục là thách thức của các nước nghèo, cản trở thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030.

Mặc dù cho đến nay, thế giới đã tránh được một cuộc khủng hoảng nợ hệ thống, nhưng một cuộc khủng hoảng phát triển đang diễn ra. Trước đại dịch Covid-19, nhiều nước đang phát triển vốn đã có mức nợ không bền vững cao. Sự kết hợp của nhiều cuộc khủng hoảng và chính sách tiền tệ chặt chẽ ở các nước phát triển đã làm xấu đi tình hình nợ công ở các nước đang phát triển.

Tổng nợ thế giới đạt đỉnh 257% so với tổng sản phẩm quốc gia vào năm 2020 do đại dịch Covid -19, gây trở ngại cho việc tiếp cận nguồn lực cần thiết để đạt được SDGs 2030 và các cam kết về khí hậu tại Hội nghị COP 21 (Paris, 2015).

Cung cấp các giá trị công, chuyển đổi số, cải cách các cấu trúc tài chính, phát triển xanh, bền vững tiếp tục là những giải pháp căn bản

Trước những thách thức trên, chuyên gia cho rằng các chính phủ cần tập trung vào việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ công toàn cầu để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy thương mại quốc tế là những yếu tố quan trọng. Theo khảo sát của chuyên gia, các mảng đầu tư hiệu quả nhất sẽ là lĩnh vực chuyển đổi số (97% khuyến nghị), năng lượng (76%), lương thực (67%) và biến đổi khí hậu (67%).

Các cơ chế, nguyên tắc và thể chế của tài chính toàn cầu cần được cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng. Cơ chế này nên dựa trên sự tham gia của tất cả các nước đang phát triển, cùng thỏa thuận và xây dựng các thủ tục, các chính sách khuyến khích và răn đe trên cơ sở thống nhất của các bên.

Nhìn lại năm 2023, có thể nói, đã có những tín hiệu vui khi nền kinh tế thế giới cơ bản “hạ cánh an toàn”, nhiều kịch bản xấu không bùng phát. Tuy nhiên, vẫn còn đó âu lo trước những khó khăn trung hạn. Mọi khuyến nghị dường như đã hội tụ cho thấy những trọng tâm phía trước: kiến tạo hòa bình, duy trì ổn định; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh - bền vững; xử lý nợ, tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển đạt SDGs... Điều quan trọng là quyết tâm hành động của các chính phủ với tầm nhìn dài hạn, vì những lợi ích bền vững, vượt trên những tính toán thiển cận, cùng hợp tác vì tương lai của thế giới.

Ths. Từ Anh Tuấn