Các chuyên gia bàn giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Các diễn giả tham dự tọa đàm

Những bất cập của thị trường vàng trong nước

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện 1426 vào ngày 27/12/2023 và ngay tức khắc, công điện này đã phát huy tác dụng đối với thị trường.

Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ ra đời rất đúng lúc, nhất là trong lúc thị trường vàng trong nước so với thị trường vàng quốc tế có sự biến động rất mạnh về giá.

Điểm đáng chú ý là, Công điện của Thủ tướng đã đưa ra một số biện pháp bao quát, chỉ đạo mang tính chất rất căn cơ và rất kịp thời để ổn định và phát triển thị trường vàng theo phương châm thị trường vàng phải an toàn, lành mạnh, phát triển hiệu quả và bền vững

Theo các chuyên gia, hiện thị trường vàng trong nước vẫn có những bất cập. Nổi bật nhất là tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tình trạng này sẽ nguy hại không chỉ riêng cho người dân mà còn thiệt hại về mặt xã hội. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng và từ buôn lậu sẽ có thất thoát về ngoại tệ, dẫn tiếp tới chuyện quản lý tỉ giá.

Bất cập thứ hai, theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, là tình trạng không bình đẳng giữa vàng miếng trong nước dù chất lượng cùng 9999 như nhau. Vàng Nhà nước bảo hộ (vàng SJC) giá rất cao còn các vàng khác không được bảo hộ thì giá thấp.

Mua bán vàng tại một cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đã đến lúc thay đổi

Tại tọa đàm, các vị khách mời nhắc lại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành năm 2012 nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa", dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán và khẳng định Nghị định 24 đã phát huy tác dụng khá tốt. Trong hơn 10 năm qua, gần như đã chấm dứt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, các khách mời cho rằng đã đến lúc Nghị định 24 “hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” và cần có sự thay đổi cho phù hợp với những thay đổi về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế…

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, phương thức quản lý bây giờ phải khác đi dùng các công cụ điều tiết như: Thuế, kiểm soát thông tin. Phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết… Như vậy, doanh nghiệp nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì mới nhập, từ bỏ dần phụ thuộc phương thức quản lý hành chính.

Thứ hai, phải mở thêm các thị trường mới, giao dịch trên tài khoản, trên các công cụ tài chính, sẽ hạn chế được thị trường vàng vật chất, giúp tiện lợi hơn, hiệu quả, an toàn hơn, không cần thiết phải mua vàng miếng cất ở nhà nữa. Từ đó sẽ thay thế dần được thị trường vàng vật chất, vàng miếng tích trữ.

Cần có cơ chế và phân cấp độ cho các sàn vàng, không chỉ mỗi Nhà nước mà các ngân hàng lớn, các cơ quan lưu ký có đủ tiềm lực đều có thể tham gia vào vào thị trường thứ cấp để lưu thông quốc tế. Đồng thời, mở thị trường sơ cấp cho toàn dân có thể tham gia.

Dưới góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TP Bank phân tích: Không chỉ giá vàng mà giá các mặt hàng khác ở những thời điểm nhạy cảm đều có sự biến động.

Ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, khi điều hành thị trường vàng, cần phải điều hành cả vấn đề tâm lý của người mua, phải lưu tâm với khách hàng, người dân về những biến động mạnh như vậy thường có yếu tố mang tính chất thông tin, tác động chỉ là một chiều và cần phải chờ những thông tin điều chỉnh tiếp theo thì giá sẽ quay trở lại. Không được vội vã khi ra những quyết định lúc giá đang "chạy" mạnh như vậy chỉ vì câu chuyện sự kỳ vọng quá lớn và tâm lý "bầy đàn" lo ngại giá vàng sẽ tăng cao trong thời kỳ tiếp theo.

Văn Sinh