Cần các giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân

Vẫn nhiều thách thức

Sáng 22.4, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới với chủ đề “Nhận diện kinh tế quý I.2024: mở lối cho kinh tế cả năm”.

Tại đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi dần, thể hiện rõ từ năm ngoái khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; quý I năm nay, tăng trưởng GDP đạt 5,66%, là mức cao nhất so cùng kỳ kể từ năm 2020, một phần bởi so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023, song đây cũng là kết quả tích cực.

Phân tích rõ hơn về dấu hiệu phục hồi, ông Lực cho rằng, nếu như năm ngoái xuất nhập khẩu giảm thì quý I năm nay đã tăng trở lại ở mức 15%, trong đó xuất khẩu tăng 17% và nhập khẩu tăng 13%, chứng tỏ đơn hàng đã quay trở lại. Bên cạnh đó, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng tăng lên 72% trong quý đầu năm; thu hút FDI tiếp tục tăng 13,4% về vốn đăng ký và tăng hơn 7% về vốn thực hiện. Đặc biệt, năm nay, đầu tư công dự báo vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế, dự kiến giải ngân trên 650.000 - 700.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Vneconomy

Cũng theo vị chuyên gia này, các thị trường như bất động sản, chứng khoán đang có dấu hiệu phục hồi dần. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán, và thông thường trước khi nâng hạng 12 - 18 tháng, thị trường sẽ rất nhộn nhịp. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua một loạt luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…; cùng các cơ chế đặc thù phát triển một số địa phương sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế.

Dù vậy, thách thức vẫn còn nhiều. Đó là bởi tác động của tình hình thế giới, nhất là các cuộc xung đột; giải ngân đầu tư công chưa đột phá, không đồng đều khi vẫn có những nơi tỷ lệ giải ngân còn thấp; cơ cấu lại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp yếu kém còn tương đối chậm so với yêu cầu; thị trường trái phiếu và bất động sản dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn chậm, theo ông Lực.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quý I “có vài con số lạc quan” song nhìn sâu hơn thì thách thức còn lớn. Chẳng hạn, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có vẻ đã phục hồi nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 34 tỷ USD, cao hơn mức trung bình 30 tỷ USD/tháng trước đây. Tuy vậy, những tháng tới xuất khẩu khó tăng lên trên mức này, “có thể chỉ đi ngang hoặc giảm” bởi những tác động từ tình hình quốc tế và từ chính doanh nghiệp. Vì vậy, khó kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Động lực tăng trưởng về đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân cũng chưa thể trở lại mức 13 - 15% như trước; quý I năm nay, đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 4,2%, thấp hơn nhiều so với khu vực FDI với mức tăng 8,9% và đầu tư từ Nhà nước là 4,9%. Trong khi đó, đầu tư tư nhân chiếm 55 - 60% tổng đầu tư xã hội, khu vực này chưa đột phá thì sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng. Chưa kể, thu hút FDI cao nhất đạt 38 tỷ USD vào năm 2019, năm ngoái là 36 tỷ USD, năm nay sẽ rất khó để vượt qua các mốc này. Tương tự, đầu tư công sẽ khó tăng mạnh so với năm trước, giải ngân không dễ vì “nhiều người, nhiều chỗ chưa muốn làm”…

Đề xuất lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia

Dự báo tăng trưởng cả năm nay sẽ đạt mức 6 - 6,5%, TS. Cấn Văn Lực nói; ông cũng lưu ý, lạm phát từ mức 3,25% trong năm ngoái có thể tăng lên 3,5 - 4%, bởi kinh tế phục hồi tốt kéo theo lượng cung tiền được đưa ra nền kinh tế nhiều hơn, đặc biệt việc tăng lương từ ngày 1.7 tới sẽ khiến lạm phát tăng 0,3 điểm phần trăm.

Ông Lực đề xuất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần có các giải pháp để kích cầu đầu tư tư nhân, bởi mức tăng 4,2% trong quý I chỉ bằng một nửa so với trung bình các năm trước, cho thấy khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn còn băn khoăn, lưỡng lự trong đầu tư. Đồng thời, cần kích cầu tiêu dùng cuối cùng. Muốn vậy, chính sách tài khóa phải làm chủ lực, như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm nay. Về phía doanh nghiệp, cần đưa ra các kiến nghị trúng, đúng và nêu được giải pháp; tiếp tục tái cấu trúc, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro về an ninh mạng, an toàn thông tin; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

"Có duy trì được nền kinh tế tăng trưởng lâu dài hay không phụ thuộc vào chính sách", TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, chia sẻ; ông Hòe kiến nghị, cần sử dụng mạnh hơn chính sách tài khóa kích tổng cầu hỗ trợ nền kinh tế; tính toán thay đổi về mức lạm phát mục tiêu 4,5%, trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh lên 5% để tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ.

Đáng chú ý, theo ông Hòe, nên xem xét thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (sử dụng 20.000 tỷ đồng từ gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, nhập các quỹ bảo lãnh địa phương về quỹ quốc gia). “Cần đổi mới tư duy làm chính sách. Bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần căn cứ chấm điểm xếp hạng, căn cứ vào các hiệp hội của họ để bảo lãnh tín chấp; tham khảo kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan để xây dựng chính sách này”, ông nói.

Minh Châu