Cần sự hoàn thiện của pháp luật, sự 'đánh thức' đạo đức nghề nghiệp

Tranh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn

Cách đây tròn 20 năm, ngày 31-10-2003, ên Hợp Quốc thông qua Công ước về chống tham nhũng, lấy ngày 9-12 hằng năm là ngày Quốc tế chống tham nhũng. Mục đích là nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan; vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ của họ.

10 năm sau, nhân ngày Quốc tế chống tham nhũng 2013, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon “kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự hãy cùng nhau đứng dậy chung tay chống lại và ngăn chặn những hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng tới xã hội, chính trị và kinh tế ở tất cả các nước.

Để hướng tới một tương lai công bằng, toàn diện và thịnh vượng cho tất cả mọi người, chúng ta phải nuôi dưỡng một nền văn hóa toàn vẹn, mang tính minh bạch, có trách nhiệm giải trình và quản trị tốt”.

Tất nhiên, không phải chờ đến khi có ngày Quốc tế chống tham nhũng, vấn nạn này mới được cả thế giới nhìn nhận và quyết tâm phòng, chống. Liên Hợp Quốc nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của tất cả mọi người, bao gồm các quốc gia, quan chức chính phủ, công chức, nhân viên thực thi pháp luật, truyền thông, khu vực tư nhân, công chúng, thanh niên… trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng. Không chỉ các quốc gia cần đoàn kết và đối mặt với vấn đề toàn cầu này mà mỗi người dân, bất kể già hay trẻ, đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng.

Để đạt được điều này, cần có các chính sách, hệ thống và biện pháp để người dân có thể lên tiếng và nói không với tham nhũng. Theo Liên Hợp Quốc, tham nhũng ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phòng, chống tham nhũng mở ra tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, giúp bảo vệ hành tinh của chúng ta, tạo việc làm, hướng tới bình đẳng giới và bảo đảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc y tế và giáo dục.

Một sự kiện đáng quan tâm liên quan đến phòng, chống tham nhũng đó là việc Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hằng năm. Điểm số của mỗi quốc gia là sự kết hợp của ít nhất 3 trong số 13 cuộc điều tra và đánh giá tham nhũng khác nhau. Những dữ liệu này được thu thập bởi các tổ chức có uy tín, bao gồm ân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Chỉ số CPI đo lường những yếu tố như: tình trạng hối lộ, biển thủ, tư lợi, năng lực chống tham nhũng của chính phủ, mức độ quan liêu, việc bổ nhiệm người thân trong cơ quan công quyền, luật lệ về minh bạch tài chính, biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lũng đoạn Nhà nước và tiếp cận thông tin về hoạt động của chính phủ.

Dẫu nhiều căn cứ xếp hạng như vậy, nhưng sự xếp hạng là không thể chính xác tuyệt đối, không phản ánh hoàn toàn bản chất của tình trạng tham nhũng tại các quốc gia bởi đó chỉ là sự cảm nhận. Nhưng, Chỉ số cảm nhận tham nhũng cũng là thước đo đáng suy ngẫm đối với mỗi quốc gia trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Những năm vừa qua, chỉ có 24/180 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng có bước tiến trong cuộc chiến chống tham nhũng, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, chỉ số CPI năm 2022 cho thấy 124 quốc gia có mức độ tham nhũng không được cải thiện, số lượng quốc gia có chỉ số CPI đi xuống đang tăng lên. Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 tăng 3 điểm và lên 10 bậc trong bảng xếp hạng nhờ nỗ lực chống tham nhũng. Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI nhiều nhất trong 5 năm liên tục.

Sự đánh giá của Tổ chức Minh bạch thế giới là hợp lý, xác đáng, bởi trong những năm gần đây, Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần gia cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mới đây nhất, ngày 21-11-2023, Quốc hội dành trọn 1 ngày để nghe và thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023…

Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo của Chính phủ cho hay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2023, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.

Cụ thể là, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm. Việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra…

Tham nhũng là vấn nạn, là mối họa, là thứ “giặc nội xâm” hết sức nguy hiểm, vì vậy cần chủ động phát hiện từ sớm, ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời; cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống lại một cách tập trung, đồng bộ, tổng thể, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và huy động sự vào cuộc chủ động, tích cực, trách nhiệm của người dân. Với mỗi một quốc gia, nguyên nhân gây ra tệ trạng tham nhũng có sự khác nhau nhất định, nhưng hậu quả đều rất chung, đó là sự cản trở, tàn phá kinh tế - xã hội, là sự suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền.

Và một điểm chung khác, để giải quyết vấn nạn toàn cầu này, cần sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần sự “đánh thức” đạo đức nghề nghiệp, lương tâm, sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người lãnh đạo. Như với Việt Nam, chúng ta đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.

NGUYỄN TRI THỨC