Cấp bách đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng

- Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường. Xin ông cho biết thêm về việc tổ chức kỳ họp chưa có tiền lệ này?

- Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; đặc biệt trong điều kiện dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục các vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Việc tiến hành một Kỳ họp bất thường đã được đặt ra từ khi Quốc hội chuẩn bị tiến hành Kỳ họp thứ Hai. Tuy nhiên, do các vấn đề dự kiến trình Quốc hội, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất khó, rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu đáo nên chưa thể tổ chức được Kỳ họp bất thường trong năm 2021. Đến nay, các nội dung này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tổ chức Kỳ họp bất thường ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV khai mạc vào ngày 4.1, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 4 ngày rưỡi và họp trực tuyến toàn bộ, kể cả việc biểu quyết thông qua các nội dung này cũng sẽ lần đầu tiên được thực hiện trên hệ thống biểu quyết điện tử của Quốc hội.

- Cử tri và Nhân dân đang rất trông đợi ở các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?

- Đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá và có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của nước ta trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chính như: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực. Có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực. Các giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa. Có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn

- Cả 4 nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường đều sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình tại một Kỳ họp, trong khi đó Quốc hội chỉ họp trong chưa đầy 5 ngày và như ông chia sẻ, đây đều là những nội dung rất khó, rất phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với công tác tổ chức kỳ họp, thưa ông?

- Đúng là áp lực đối với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và với cả đại biểu Quốc hội trong việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường là rất lớn. Tuy nhiên, các nội dung và các điều kiện bảo đảm tổ chức Kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Ngay từ khi Kỳ họp thứ Hai đang diễn ra thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chủ động chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường. Sau Kỳ họp thứ Hai, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và làm việc với giới chuyên gia về từng nội dung. Có nội dung được thảo luận ở diện rộng với sự tham gia của các cơ quan liên quan, có nội dung thảo luận ở diện chuyên gia, hết sức chuyên sâu. Nhiều nội dung đã được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều vòng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn quán triệt quan điểm dù cấp bách nhưng nếu không bảo đảm chất lượng thì cũng không trình Quốc hội. Do đó, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ để bảo đảm chất lượng trình Quốc hội.

Ví dụ như dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi Trung ương thống nhất quan điểm chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn với đại dịch Covid - 19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội chủ động nghiên cứu, đề xuất các nội dung nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, đặc biệt là gói kích thích phục hồi kinh tế và dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội để khi Chính phủ đề xuất thì thẩm tra, cho ý kiến và trình Quốc hội được ngay.

Đầu tháng 12.2021, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với 2 cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước là Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV để lắng nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế phản biện, hiến kế về các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là về quy mô, liều lượng gói kích thích phục hồi kinh tế trong bối cảnh “sức khỏe” của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã bị bào mòn sau 2 năm chống chọi với đại dịch toàn cầu; dư địa điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, những việc, những chính sách cần có quyết đáp của Quốc hội.

Ngay trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết để Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa trước khi trình Quốc hội.

Nói như vậy để thấy rằng, áp lực đối với việc tổ chức Kỳ họp bất thường rất lớn nhưng chúng ta không bị động, các nội dung này đều đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, trí tuệ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các nội dung để quyết định chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của đất nước hiện nay.

- Bắt đầu năm 2022 với một sự kiện chưa từng có tiền lệ là tổ chức kỳ họp bất thường, có thể hình dung Quốc hội sẽ tiếp tục có một năm nhiều đổi mới, thưa ông?

- Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường. Kỳ họp được tiến hành sớm hơn gần 5 tháng so với Kỳ họp thường kỳ sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5 tới. Việc tổ chức kỳ họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi các nội dung này đều hết sức cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu để muộn đi một ngày đã khác chứ đừng nói là tới gần 5 tháng. Từ thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường cũng sẽ là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt hơn, chủ động hơn nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền thay vì phải chờ đến kỳ họp thường kỳ, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng là sự phát triển của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện