Chính sách, pháp luật đặc thù tạo điều kiện cho phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi):

Ông Đặng Đình Luyến - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất nhiều chính sách, pháp luật đặc thù

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ThS. Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013; đến nay Luật đã được thực hiện hơn 10 năm, đã góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn có nhiều hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn thực hiện Luật.

ThS Đặng Đình Luyến tán thành với việc cần thiết sớm phải sửa đổi cơ bản Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển Thủ đô; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật và thực tiễn thực hiện Luật trong những năm qua.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất nhiều chính sách, pháp luật mới, đặc thù trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó quy định về nhu cầu sử dụng ngân sách, nguồn lực khác cao hơn nhiều so với nguồn lực để thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành, như: chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18); phát triển văn hóa, thể thao (Điều 23); phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 24); phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Điều 25); phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân (Điều 27); chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (Điều 28); bảo vệ môi trường (Điều 29); quản lý, sử dụng đất đai (Điều 30); phát triển nhà ở (Điều 31); phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông (Điều 32); phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33); sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô (Điều 36); v v ….

Về cơ bản, ông tán thành với chủ trương cần phải có ngân sách, kinh phí để chi cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật mới, đặc thù để phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định các nhu cầu về ngân sách, kinh phí để chi cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật mới, đặc thù trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như nêu trong dự thảo luật là quá lớn, nhất là trong điều kiện hiện nay nguồn Ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, hạn chế, rất khó đáp ứng cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật mới, đặc thù này.

Thực tiễn, trong những năm qua cho thấy, có không ít trường hợp đã đưa các chính sách, pháp luật mới, đặc thù vào luật, nhưng do không đánh giá tác động đầy đủ, khoa học các chính sách mới, chưa xem xét cân nhắc kỹ khả năng nguồn lực để bảo đảm việc thực hiện, do đó sau khi luật có hiệu lực thi hành đã rất hạn chế đi vào cuộc sống, tính khả thi không cao.

Vì vậy, ông đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về các cơ chế, chính sách, pháp luật mới, đặc thù trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô được nêu trong dự thảo Luật; theo đó mỗi chính sách mới, đặc thù được đề xuất trong dự thảo luật cần phải đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ để lựa chọn phương án tốt nhất cùng với dự kiến nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện khi Luật có hiệu lực, nhằm bảo đảm tính khả thi cao.

Làm rõ thời gian áp dụng Luật

Góp ý vào khoản 1 Điều 4 Luật Thủ đô (sửa đổi), Ths. Đặng Đình Luyến cho rằng, việc quy định như khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật nêu trên chưa rõ ràng, tức là chưa nói rõ luật, nghị quyết khác của Quốc hội nêu tại khoản 1 Điều 4 được ban hành trước hay ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực.

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định rõ về thời gian ban hành luật, nghị quyết khác của Quốc hội tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật để đưa ra phương hướng áp dụng Luật Thủ đô khi có quy định khác với quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.

Về khoản 2 Điều 4, Ths Đặng Đình Luyễn nhận thấy, việc quy định như khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật về yêu cầu luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau Luật thủ đô... phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó là không cần thiết, là thừa, vì khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác” và khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 4 trong dự thảo Luật.

Công Phương