Chó nhân bản của YouTuber gây tranh cãi

Ngày 1/1, tài khoản sở hữu 200.000 người theo dõi của một nữ YouTuber (giấu tên) đã xuất hiện video với tiêu đề “Chú chó con của chúng tôi đã trở lại", theo The Korea Times đưa tin.

Trong video, người này tiết lộ mình đã ủy quyền cho một công ty nhân bản vô tính động vật để tạo ra hai “bản sao” của chú chó Tico đã mất vì tai nạn.

Hài lòng với những chú chó nhân bản, YouTuber quyết định chia sẻ trường hợp của mình để kêu gọi công chúng tìm hiểu về nhân bản vô tính động vật, gợi ý giải pháp cho những ai đang chịu đựng nỗi đau mất đi thú cưng.

kênh YouTube giới thiệu "bản sao" của chú chó Tico đã mất một năm trước. Ảnh: Korea Times.

Tuy nhiên, đoạn video lập tức khuấy động cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức của việc nhân bản động vật. Những người nuôi chó khác chỉ trích nặng nề nữ YouTuber dù pháp luật hiện chưa cập nhật quy định liên quan.

“Tôi hiểu nỗi buồn của cô ấy nhưng việc nhân bản một chú chó là không thể chấp nhận được. Chó không thể bày tỏ ý định của mình và hành động của cô ấy dường như đang lợi dụng loài vật này”, Gong You-jin, một nhân viên văn phòng đã nuôi chó 11 năm, cho biết.

Ở bên chú chó cưng gần một thập kỷ, một người tên Choi Ri-ah cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị ngược đãi đối với những chú chó nhân bản. “Dù quá trình nhân bản diễn ra thành công, điều làm tôi lo lắng hơn cả là khả năng xảy ra vấn đề với những chú chó ít giống 'bản gốc'. Chúng có thể bị bỏ rơi hoặc bị đối xử cẩu thả”, cô nói.

Liên quan đến quá trình nhân bản vô tính thú cưng, hội những người ủng hộ quyền động vật Hàn Quốc (KARA) lưu ý rằng cần ít nhất mười con chó để tạo ra một con chó nhân bản. Từ đây, ý nghĩa đạo đức của việc sử dụng nhiều con vật để tạo ra “bản sao” duy nhất đã được nêu lên như một mối quan ngại của những người yêu động vật.

“Quá trình nhân bản bao gồm việc 'sửa đổi' một số loài động vật, chỉ chọn một con trong khi những con khác bị loại bỏ. Điều này gây ra nhiều tranh cãi về đạo đức”, bác sĩ thú y Park Jong-moo bày tỏ.

Những người ủng hộ quyền động vật Hàn Quốc (KARA) chỉ trích nghiên cứu nhân bản động vật. Ảnh: Yonhap.

Hơn nữa, Hàn Quốc hiện thiếu hệ thống bảo vệ động vật phục vụ mục đích nhân bản, như chăm sóc hậu phẫu thuật cho những chú chó cái bị cắt dạ dày để lấy trứng.

Do đó, Jung Jin-a, thành viên Hiệp hội Phúc lợi Động vật Hàn Quốc (KAWA), nhấn mạnh vai trò của ủy ban đạo đức động vật trong việc giám sát các thủ tục như nhân bản vô tính động vật.

Tuy nhiên, việc xác định các đơn vị tham gia thí nghiệm này là thách thức khiến quy trình đánh giá khía cạnh đạo đức trở nên khó khăn hơn.

Theo luật hiện hành, Đạo luật An toàn và Đạo đức Sinh học chỉ áp dụng cho con người. Mặc dù có luật quy định các thí nghiệm trên động vật, việc nhân bản vì mục đích thương mại - như trường hợp của YouTuber nói trên - nằm ngoài phạm vi quy định.

Han Joo-hyun, một luật sư ủng hộ quyền động vật, cho biết: “Không thể phủ nhận lợi ích nhất định của công nghệ nhân bản động vật, ví dụ như bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cần đề ra các quy định cụ thể nhắm vào việc nhân bản động vật vì mục đích thương mại”.

Sau sự việc, trang web của công ty sinh học nhận nhân bản chú chó Tico hiện không truy cập được.

Mai Vũ