Chứng khoán Mỹ gượng dậy sau phiên bán tháo, dầu sụt giá vì lượng tồn kho của Mỹ tăng

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (14/2), hồi lại một phần tổn thất trong phiên bán tháo trước đó do khả năng lãi suất giữ cao hơn lâu hơn gia tăng sau số liệu lạm phát nóng hơn dự báo. Giá dầu thô tăng trong phần lớn thời gian của phiên, nhưng cuối cùng chốt phiên trong trạng thái giảm khá mạnh do thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng vọt.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,96%, đạt 5.000,62 điểm. Chỉ số tăng 1,3%, chốt ở mức 15.859,15 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 151,52 điểm, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 38.424,27 điểm.

Hôm thứ Ba, Dow Jones mất hơn 1% điểm số, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm hơn 1% mỗi chỉ số. Nguyên nhân dẫn tới phiên “đỏ lửa” này là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm chậm, dẫn tới kỳ vọng cho rằng sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp tháng 3 và tháng 5, và phải đến tháng 6 mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Theo một số nhà phân tích, giá cổ phiếu ở Phố Wall đã tăng nhiều từ đầu năm, nên bất kỳ yếu tố bất lợi dù nhỏ nào cũng có thể dẫn tới những phiên sụt giảm như vậy.

“Thị trường đã ở trong trạng thái mua quá nhiều (overbought) trên nhiều phương diện, và bây giờ vẫn chưa rơi vào tình trạng bán quá nhiều (oversold). Trong ngắn hạn, khả năng xảy ra điều chỉnh vẫn còn, nhưng tôi không cho rằng thị trường sẽ có một đợt giảm quá 10%, mà chỉ là một sự điều chỉnh cần thiết trước khi có thể tăng lên cao hơn”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA nhận định với hãng tin CNBC.

Phát biểu ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, nhận định lạm phát sẽ tiếp tục giảm về mục tiêu 2% của Fed ngay cả khi dữ liệu lạm phát trong vài tháng tới có thể cao hơn một chút so với kỳ vọng. Ông cũng nói rằng Fed nên thận trọng với việc đợi quá lâu trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Nhận định có khuynh hướng mềm mỏng này của ông Goolsbee khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng giảm sau khi lập mức cao. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm cơ bản, còn 4,267%, sau khi đạt 4,332% trong phiên - mức cao nhất kể từ ngày 1/12.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt đóng cửa với mức giảm 0,13%, còn 104,72 điểm, sau khi đạt mức cao nhất 3 tháng trong phiên trước.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 78,5% Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Trong khi đó, khả năng Fed giảm lãi suất từ tháng 5 giảm chỉ còn 38,5%, từ mức 63,7% cách đây 1 tuần. Khả năng Fed giảm lãi suất từ tháng 3 hầu như không còn.

Theo chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial, báo cáo CPI cho thấy “có vẻ như lạm phát không giữ nguyên mà có chiều hướng tăng tốc”.

“Đó là những gì thị trường nhận thấy. Đột nhiên, kỳ vọng giảm lãi suất bị đẩy lùi thêm. Mọi số liệu kinh tế bây giờ đều được nhìn nhận qua con mắt của Fed. Thị trường muốn biết khi nào thì Fed cảm thấy thoải mái với việc giảm lãi suất và chính thức bắt đầu việc hạ lãi suất”, bà Krosby nói với hãng tin Reuters.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng tháng 0,2% và mức tăng năm 2,9%.

Ngày thứ Năm, thị trường sẽ dành mối quan tâm cho báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 1, và ngày thứ Sáu, một báo cáo lạm phát khác là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố.

Giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại New York giảm 1,23 USD/thùng, tương đương giảm 1,58%, chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 76,64 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tại London giảm 1,17 USD/thùng, tương đương giảm 1,41%, còn 81,6 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá dầu tăng 1% sau khi có tin Israel mở các cuộc không kích nhằm vào Lebanon để đáp trả các cuộc tấn công bằng đạn pháo nhằm vào phía Bắc Israel trước đó khiến 1 người thiệt mạng và ít nhất 7 người bị thương.

Căng thẳng ở Trung Đông vẫn đang là một nhân tố hỗ trợ giá dầu, nhưng mối lo thừa cung thiếu cầu dầu tiếp tục gây áp lực mất giá lên năng lượng này.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn kho thương mại của nước này tăng 12 triệu thùng trong tuần trước. Nhu cầu dầu tính theo lượng sản phẩm cuối cùng cung ứng ra thị trường giảm 973.000 thùng trong kỳ báo cáo.

Trong 1 tuần trở lại đây, giá dầu WTI và Brent đã tăng tương ứng 3,8% và 3% - theo dữ liệu từ Reuters. Nếu tính từ đầu năm, giá hai loại dầu đã tăng tương ứng 7% và 5,9%.

Bình Minh