Cổ phiếu ngân hàng 'nằm' sàn, VN-Index giảm điểm mạnh

Phản ứng với “giãn cách xã hội”?

Một trong những nguyên nhân được nhà đầu tư dùng để lý giải phiên bán tháo dữ dội hôm nay là quyết định “giãn cách xã hội” được đưa ra cuối tuần qua. Tuy nhiên đó chỉ là một yếu tố có thể tác động đến tâm lý, điều quan trọng hơn là nhà đầu tư kỳ vọng quá lớn trong nhịp điều chỉnh này và bắt đáy liên tục.

Sự tự tin vào dòng tiền F0 mới có thể đảo ngược bất kỳ tình huống thị trường nào đã phải trả giá. Các nhà đầu tư lớn thoái vốn rút bớt tiền khỏi cổ phiếu đã khiến thanh khoản sụt giảm rất mạnh. Nhà đầu tư F0 không phải là thiếu tiền, mà là tiền đã kẹt vào cổ phiếu.

Các nhà đầu tư mới thường không có kế hoạch giao dịch cụ thể và kỷ luật để tuân thủ. Chẳng hạn chiến lược cắt lỗ hiếm khi được sử dụng mà trái lại, chờ đợi nhà đầu tư khác mua vào đẩy giá tăng trở lại để tránh lỗ hoặc có lãi. Khi mức lỗ cực lớn mới hốt hoảng cắt lỗ. Đó là chưa kể đến nhu cầu bắt đáy cũng liên tục xuất hiện mỗi khi thấy thị trường giảm mạnh.

Từ đầu tháng 7 tới nay thị trường rơi vào trạng thái điều chỉnh và có những phiên giảm trên 50 điểm. Mức giảm mạnh đó khiến giá cổ phiếu “trông có vẻ hấp dẫn” khi nhìn vào mức giá trên đỉnh. Nhà đầu tư có thể sử dụng margin để bình quân giá xuống với hi vọng “đến đáy”. Tuy nhiên mức giảm đang diễn ra là quá lớn nên nguồn lực bắt đáy không đủ để cầm cự.

Các đợt bán cắt lỗ từ khối lượng hàng bắt đáy liên tục xuất hiện trong các phiên giảm mạnh là nguyên nhân khiến thị trường không phục hồi được trong ngày. Do giá cổ phiếu liên tục tìm đáy mới nên đại đa số lượng bắt đáy trước đó về đến tài khoản là lỗ. Nhà đầu tư phải bán ra ở bất kỳ giá nào, dẫn đến cường độ giảm càng tăng và càng gây áp lực ngược lên thị trường.

Việc “giãn cách xã hội” hay việc các ngân hàng bị “ép” giảm lãi suất cho vay không hẳn là nguyên nhân khiến thị trường giảm nhiều như vậy. Thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh sau một chu kỳ tăng trưởng cực mạnh, nên cường độ giảm cũng có thể mạnh tương ứng. Các yếu tố tiêu cực nếu xuất hiện trong bối cảnh thị trường tăng mạnh thì cũng sẽ bị bỏ qua. Ngược lại khi gặp thời điểm hoảng sợ, thông tin sẽ tăng mức độ ảnh hưởng.

Gánh nặng cổ phiếu ngân hàng

Dẫn đầu đà giảm hôm nay là cổ phiếu ngân hàng. Lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái nhà đầu tư mới lại được chứng kiến cảnh cổ phiếu ngân hàng giảm sàn.

VPB, TCB, LPB, MSB, TPB, VIB, CTG là các mã ngân hàng giảm hết biên độ phiên này. Trong đó TCB thanh khoản rất cao với 39,3 triệu cổ phiếu trị giá 1.936 tỷ đồng. TCB giảm khá chậm so với nhiều mã ngân hàng khác. Cụ thể, từ đầu tháng 7 tới cuối tuần trước giá TCB mới giảm 2,09% trong khi như VCB giảm gần 12%. Kể từ đình hôm 5/7 đến cuối tuần trước TCB cũng mới điều chỉnh 11%.

Tất cả các cổ phiếu ngân hàng còn lại trên cả 3 sàn đều giảm giá, với 3 mã giảm ít nhất là EIB, OCB và STB cũng đều mất trên 3% giá trị. Ngoài nhóm blue-chips giảm sàn nói trên, các mã giảm trên 8% là ABB, BVB, SGB, NVB, SHB, PGB.

Cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng không hơn gì, 15 mã giảm kịch biên độ, có cả HCM, VCI, FTS, CTS, AGR, MBS, những mã được đầu cơ thịnh hành thời gian qua. Nhóm này không thể tăng được kể cả khi kết quả kinh doanh rất tích cực.

Áp lực từ cổ phiếu ngân hàng là điều đáng lo ngại vì nhóm nay đang trong giai đoạn bị “đánh giá lại”. Kỳ vọng kết quả kinh doanh trước đây đã đẩy giá cổ phiếu ngân hàng lên rất cao. Tuy vậy khi dịch bệnh lan tràn, giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp khó khăn thì các ngân hàng sẽ tăng rủi ro nợ xấu. Việc phải giảm lãi cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp cũng sẽ làm giảm khả năng lợi nhuận. Nói cách khác, những kỳ vọng với cổ phiếu ngân hàng từ tháng 6 trở về trước đã đảo ngược hoàn toàn. Nhóm này lại là những cổ phiếu vốn hóa rất lớn, có khả năng tạo sức ép khổng lồ lên chỉ số.

Khánh Nhi