Công nghệ đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Diễn đàn Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam 2024 do Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ Năng lượng-Môi trường Hà Nội 2024. Ảnh: NS

Chiều 27/6, tại à Nội, diễn đàn Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam 2024 do Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ Năng lượng-Môi trường Hà Nội 2024.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, cho biết theo dự báo, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15%; nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ, tối ưu hóa về nguồn cung, các hệ thống truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng hiện có, việc đầu tư, phát triển các giải pháp năng lượng mới cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.

Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố thiết yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Kinh nghiệm cho thấy muốn chuyển dịch năng lượng thành công yêu cầu bốn yếu tố cốt lõi là: nền kinh tế cạnh tranh; mở cửa thị trường; chính sách hỗ trợ và đặc biệt là công nghệ, công nghệ đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, dù là từ phương tiện dùng ngựa sang ô tô, từ động cơ chạy bằng xăng sang động cơ chạy bằng điện, từ nhiệt điện than sang điện gió và điện mặt trời. Nói một cách đơn giản, tất cả các quá trình chuyển dịch năng lượng về cơ bản phụ thuộc vào tính có sẵn và tính phổ biến của các công nghệ mới.

Các xu hướng chính trong chuyển dịch năng lượng hiện nay gồm có: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong ngành điện; thúc đẩy giao thông xanh trong ngành giao thông vận tải; phát triển Hydro xanh.

Trước những tồn tại, hạn chế, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp dự Diễn đàn đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về hiện trạng và định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và những kinh nghiệm trên thế giới. Ảnh: NS

Hiện nay, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới, bên cạnh vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường, điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế. Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024 là nơi trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới; đồng thời cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên ế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), theo đúng tinh thần Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp dự Diễn đàn đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về hiện trạng và định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và những kinh nghiệm trên thế giới.

Đồng thời, đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ việc áp dụng thành công, hiệu quả mô hình chuyển dịch năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại sự kiện, ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam đã đưa ra dự báo, điện mặt trời và gió dự kiến sẽ chiếm phần lớn trong các nguồn bổ sung công suất điện trong bối cảnh chi phí phát điện và giá điện phát từ các nguồn tái tạo ngày càng cạnh tranh hơn. Ông Philipp Munzinger cũng khẳng định nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã và đang là động lực quan trọng cho chuyển dịch năng lượng.

Đại diện một số doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn cũng chia sẻ việc áp dụng thành công, hiệu quả mô hình chuyển dịch năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh; vai trò và định hướng của các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh nghiệm hợp tác và chuyển giao công nghệ, cùng các đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam.

Ngô Sơn