Công nghệ và không gian số đã tác động như thế nào tới đời sống văn hóa của xã hội thế kỷ 21?

Triển lãm được khai mạc ngày 15/4 và kéo dài đến hết ngày 23/7, tại Roman Plaza, Tố Hữu, Hà Nội.

Trở lại sau thành công của triển lãm “Vụn Thời Đại”, Trung tâm nghệ thuật The Outpost cùng Giám đốc nghệ thuật Lê Thuận Uyên trong vai trò giám tuyển đã đem tới cho công chúng triển lãm “Dị Diện” / “Peculiar Interfaces”.

Triển lãm được thực hhiện với sự tham gia của 08 gương mặt và nhóm nghệ sĩ hàng đầu trong nước và quốc tế: Ryoji Ikeda (Nhật Bản), Kaz Watabe (Nhật Bản), Mario Klingemann (Đức), SMACK (Hà Lan), Ip Yuk-Yiu (Hong Kong), Shinseungback & Kimyonghun (Hàn Quốc), Areumnari Ee (Hàn Quốc) và Nguyễn Hoàng Giang (Việt Nam).

“Ý tưởng cho Dị Diện bật ra khi tôi lật lại Doraemon, bộ truyện tranh yêu thích của tôi thuở nhỏ. Trong một khoảnh khắc, tôi nhận ra có rất nhiều bảo bối tiện ích trong chiếc túi bốn chiều của chú mèo máy đến từ tương lai ấy đã trở thành những vật dụng không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Cuộc gọi video miễn phí, những thiết bị chuyển ngữ, bản đồ cho phép bạn thấy quang cảnh đường xung quanh, robot với trí tuệ nhân tạo… tất cả đều hóa thành một phần hiện thực của chúng ta từ lúc nào”, trích lời giám tuyển Lê Thuận Uyên.

Những tác phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: animation đa chiều, bảng lật chữ cái, video, âm thanh, trình diễn, tranh vẽ sơn dầu trên vải canvas, đất sét…

Tác phẩm Nonfacial Portrait được Shinseungback & Kimyonghun (Hàn Quốc) đem đến triển lãm, gồm nhiều tác phẩm từ các họa sĩ khác nhau. Các họa sĩ được mời để vẽ những bức chân dung của cùng một người với một luật duy nhất là gương mặt trong bức tranh chân dung đó không bị nhận diện bởi AI.

Trong thời gian 30 năm ngắn ngủi, sự cải tiến của công nghệ và công cuộc chuyển đổi số đã không ít lần khiến chúng ta kinh ngạc và đồng thời cũng gợi ra nhiều mối lo âu.

Những tác phẩm của những nghệ sĩ đem đến triển lãm đã mở ra những cuộc đối thoại về một hiện thực hỗn lai. Theo đó, thế giới thực và ảo ngày càng quyện vào nhau. Hay ý nghĩa của dữ liệu trong thời đại của thuật toán làm ta suy tư lại về văn bản, hình ảnh và âm thanh trong thời đại ý nghĩa được tạo ra bởi dữ liệu hóa và học máy. Có tác phẩm khiến người xem cảm nhận được chủ nghĩa hậu nhân bản, nhìn nhận ý nghĩa con người trong thời đại của máy móc thông minh, cũng như sự kết nối và cảm thông, đồng thời giải nén các ý tưởng về ký ức số, tính kết nối và đối thoại. Và cuối cùng, nếu như lập trình và thuật toán cũng được coi như những biểu tượng đầy chất thơ thì liệu chúng ta có thể hiểu về thẩm mỹ của chúng như thế nào?

Tác phẩm Appropriate Responese của Mario Klingemann đến từ Đức.

Khác với các triển lãm số thường tìm cách trình bày những điểm gặp gỡ giữa nghệ thuật và công nghệ, “Dị Diện” hướng đến việc diễn giải sự hiện diện rộng rãi của công nghệ mới đang tác động đến mối quan hệ giữa người và người với thế giới xung quanh. “Dị Diện” hứa hẹn sẽ trở thành triển lãm quan trọng nhất cho đến nay về nghệ thuật phương tiện mới ở Việt Nam.

Nguyễn Hương Giang
Sinh viên thực tập