Hạn mặn, nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân

Ngành chức năng ở tỉnh Sóc Trăng tăng cường đo mặn ở các tuyến kênh nhằm thông tin cho nông dân trong sử dụng nước tưới tiêu. Ảnh tư liệu: Tuấn Phi/TTXVN

Hàng nghìn ha lúa, cây trồng ảnh hưởng

Mặc dù lường trước được những khó khăn bất thường của khí hậu, ngay từ đầu mùa khô 2023-2024, lãnh đạo tỉnh óc Trăng đã chỉ đạo quyết liệt cho các cấp ngành, địa phương có biện pháp thích ứng cũng như hạn chế thiệt hại do hạn mặn xâm nhập ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông nhưng nắng nóng kéo dài cùng những diễn biến phức tạp khó lường đã làm ảnh hưởng thiệt hại, giảm năng hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn trái, ảnh hưởng đến vật nuôi và đời sống sinh hoạt của người dân.

Tại địa bàn Sóc Trăng, tình hình nước mặn xâm nhập từ đầu mùa khô đến nay diễn biến phức tạp, cao điểm từ tháng 2, tháng 3/2024. Các địa phương bị ảnh hưởng của hạn mặn cao nhất là tại huyện Trần Đề, Long Phú và Kế Sách; các địa phương còn lại hiện có đê bao và cống ngăn mặn, trữ ngọt nhưng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xâm nhập mặn diễn ra gay gắt tiếp diễn sẽ có thể ảnh hưởng đến huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Cù Lao Dung và thành phố Sóc Trăng.

Theo ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nay nông dân hai huyện Trần Đề và Long Phú đang thu hoạch lúa vụ Đông - Xuân muộn (lúa vụ 3), nhưng năng suất lúa giảm mạnh do hạn mặn.

Một số hộ nông dân ở xã Trung Bình, Đại Ân 2, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) hiện đang thu hoạch lúa Đông Xuân muộn cho biết, đã xuống giống lúa từ trước Tết Nguyên đán 2024 âm lịch, mặc dù theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp chỉ trễ hơn ít ngày nhưng thấy nước còn nhiều, thời gian đầu lúa rất cũng phát triển rất tốt vì còn nước ngọt, nhưng qua Tết là nước bị nhiễm mặn nên lúa bị ảnh hưởng đến năng suất rất lớn. Thường vụ chính mỗi công (1.000 m2) thu hoạch được khoảng 1 tấn lúa thì vụ này chỉ còn 300-500 kg/công, đã vậy hạt thóc còn không no tròn đẹp như vụ chính. Tính ra mỗi công trồng lúa người trồng thu không đủ bù chi.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn mùa khô tại Sóc Trăng năm 2023-2024 sớm và ở mức cao hơn so với cùng kỳ mùa khô năm 2022-2023. Những hộ dân xuống giống vụ Đông Xuân muộn thì mặc dù đã được địa phương, ngành chuyên môn khuyến cáo không nên xuống giống vì nguy cơ hạn, mặn, nhưng do thấy giá lúa tăng cao so với vụ trước nên nhiều hộ dân vẫn tiếp tục gieo sạ tiếp với hy vọng có thể có thêm thu nhập cho gia đình, thay vì bỏ rộng trống chờ mưa xuống mới làm. Thống kê riêng của huyện Long Phú đã có trên 6.000 ha lúa, huyện Trần Đề có trên 512 ha lúa vụ 3 được xuống giống và có ít nhất trên 1.600 ha bị ảnh hưởng giảm năng suất do thiếu nước hoặc bị mặn xâm nhập; trong đó có 43 ha lúa được ghi nhận đã bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, độ mặn đang ở mức cao, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi và khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Sở cũng đề nghị các địa phương chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời; sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp, tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra cao điểm hạn hán, mặn xâm nhập...

Nắng nóng ảnh hưởng đến người dân

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 10 ngày tới, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xảy ra một đợt xâm nhập mặn tăng cao. Cụ thể, dự báo từ ngày 21 đến 30/4, ở khu vực miền Tây Nam bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, ngày ắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại miền Tây Nam bộ phổ biến 34-37 độ C, có nơi cao hơn. Dự báo độ mặn ở các khu vực gần biển sẽ tiếp tục cao trong đợt rằm tháng 3 âm lịch tới và nắng nóng sẽ còn kéo dài đến sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.

Nhiều người dân ở Sóc Trăng cho rằng, hiếm có năm nào nắng nóng liên tục kéo dài như mùa khô năm nay, hầu hết tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng gần 6 tháng nay không có một giọt mưa, trong khi nắng nóng và mặn xâm nhập càng ngày càng gay gắt.

Thường như những năm trước, trong mùa khô thỉnh thoảng vẫn có một trận mưa trái mùa, còn năm nay thì hầu như không có. Nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng không ít đến tình hình sản xuất, chăn nuôi và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là ở vùng ven biển, khu vực khó khăn về nước sinh hoạt.

Ứng phó với thực tế này, trước mắt, tại tỉnh Sóc Trăng, các cấp ngành đang tích cực chung tay hỗ trợ nước cho người dân, như: lực lượng vũ trang, công an, hải quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… đã huy động nguồn lực mua nước ngọt cấp cho một số địa phương tại Trần Đề, Vĩnh Châu với khối lượng hàng nghìn bình nước, hàng chục nghìn chai nước, hàng trăm khối nước sạch sinh hoạt được chở đến hỗ trợ miễn phí cho người dân, giải quyết tạm thời việc khó khăn thiếu nước ngọt, nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn, vùng hạn mặn gay gắt.

Trong một lần làm việc với Công ty cấp nước Sóc Trăng, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, doanh nghiệp cần phải có biện pháp khẩn trương trong việc cung cấp nguồn nước cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước sạch, bên cạnh đó cũng cần chú trọng đến chất lượng nước. Trước mắt cần sớm khắc phục tình trạng nước thiếu, nước yếu, trong các biện pháp, cần khai thác triệt để nguồn nước mặt có thể khai thác kể cả mua nguồn nước sạch của các đơn vị bạn, tỉnh bạn…

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị các sở, ngành liên quan có thông tin về tình hình nguồn nước mặn, dẫn đến thiếu nước cung cấp đến người dân và tuyên truyền đến người dân nên sử dụng nước tiết kiệm. Riêng Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng đối với việc cấp nước hằng ngày, hằng tuần đến người dân để người dân chủ động trong sử dụng nước; tăng cường công suất khai thác nước ở một số kênh có thể khai thác được; có kế hoạch kết nối phối hợp Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng để cung cấp nước phục vụ người dân; tăng cường khai thác nước tại các trạm khai thác nước còn khai thác được...

Tuy nhiên, về lâu dài, trước tác động biến đổi khí hậu như hiện nay, ngoài giải pháp phi công trình, thì các công trình trữ nước ngọt xem như giải pháp hữu hiệu đối phó việc thiếu nguồn nước như hiện nay. Tỉnh Sóc Trăng đang xem xét dự án xây dựng một số hồ chứa nước ngọt có diện tích lớn trữ nước ở một số địa phương, bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh việc cải tạo kênh mương nội đồng trữ nước mùa mưa và cả việc xây dựng hồ chứa, bể chứa nước mưa trong mỗi hộ dân để sử dụng nhiều tháng khi mùa khô đến.

Trung Hiếu (TTXVN)