Đa dạng danh mục sản phẩm mở đầu ra cho HTX

HTX quế Trà My - Minh Phúc (Quảng Nam) trước đây từ rất khó mở rộng thị trường vì sản phẩm chủ yếu là quế thô, tinh dầu quế. Từ khi mở rộng sang nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm khác như bánh quế, nước lau sàn, bột quế… thì thị trường của HTX rộng mở hơn nhờ vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu. Hiện, HTX có hơn 10 sản phẩm từ quế, đối tượng khách hàng cũng đa dạng hơn.

Chỉ bao tiêu từ 1-3 sản phẩm cho mỗi nhà cung cấp

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX cho rằng việc đa dạng danh mục sản phẩm, phát triển từ 10 sản phẩm trở lên sẽ giúp HTX thuận lợi trong khâu quảng bá, kết nối với khách hàng, doanh nghiệp. HTX vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và đầu tư để cho ra những sản phẩm mới nhằm thuận lợi trong cạnh tranh, không bị nhấn chìm trên thị trường.

Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX 6 tháng đầu năm của Liên minh HTX Việt Nam, một số sản phẩm của HTX dù đã có thương hiệu nhưng vẫn đang có nguy cơ không duy trì được, khó tiêu thụ do thị trường bão hòa, năng lực sản xuất không đáp ứng nhu cầu, không còn sức cạnh tranh cao, khó tiêu thụ trên thị trường như cao lá vằng, rượu, gạo canh tác tự nhiên, tinh bột nghệ, tinh dầu…

Việc đa dạng sản phẩm từ những nguyên liệu truyền thống giúp HTX tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường.

Có thể thấy, việc để có sản phẩm đứng chân trên thị trường và phát triển sâu rộng không hề dễ, nhất là đối với các HTX lâu nay chủ yếu bán sản phẩm thô, hoặc đầu tư cho chế biến nhưng chưa thực sự đa dạng về mặt hàng, chưa nâng cấp và đầu tư cho sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Diễm, người sáng lập Tomato Food, cho biết thường các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị có đăng ký mua hàng của các nhà cung cấp, HTX thông qua các hợp đồng cung ứng nhưng cũng chỉ mua, bao tiêu được từ 1-3 sản phẩm cho mỗi đơn vị.

Điều này không đơn thuần vì yêu cầu chất lượng nông sản vào siêu thị, cửa hàng nông sản sạch chặt chẽ hơn mà do phần lớn nông sản của HTX vẫn chủ yếu bán thô, sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên với những mặt hàng nông sản cơ bản. Hoặc sản phẩm dù đã chế biến, đa dạng hơn nhưng chưa có câu chuyện mang giá trị cốt lõi, có tính độc đáo nên khó thâm nhập thị trường.

Bên cạnh đó, khi đi chào hàng, việc có quá ít mặt hàng khiến các HTX dễ thất bại cả với đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, theo các chuyên gia, trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm giống nhau. Chẳng hạn như cùng là con tôm, nhưng nếu HTX này chế biến con tôm thành sản phẩm có giá trị cao như bột tôm, tôm khô, phồng tôm thì chắc chắn các nhà phân phối sẽ đánh giá cao hơn so với HTX chỉ bán con tôm tươi, tôm đông lạnh.

Thậm chí khi đưa tôm hoặc các sản phẩm chế biến vào siêu thị rồi, HTX có thêm những gian hàng trưng bày nhỏ, hướng dẫn trực tiếp người dân cách sử dụng sản phẩm cũng sẽ khác với việc chỉ cho hàng vào kệ và không có động thái chăm sóc khách hàng.

Xu hướng bán theo gói, theo chai

Việc đa dạng danh mục sản phẩm hiện nay đến từ khâu chế biến được các chuyên gia cho rằng là hướng đi hiệu quả. Bởi thông qua chế biến, thay vì phải buôn tấn, bán tạ, HTX sẽ chỉ còn buôn bán theo gói, theo chai. Điều này không chỉ tăng sự lựa chọn cho khách hàng mà còn an toàn hơn trong lưu trữ, bảo quản, vận chuyển. Từ đó giúp HTX thuận lợi trong khâu xuất khẩu, nhất là xuất sang các thị trường có thời gian vận chuyển lên cả tháng trời.

Ông Vũ Văn Dương, chủ doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản tại các tỉnh khu vực miền Bắc cho biết, ông đã liên kết với một số HTX cây ăn quả và chế biến nông sản vài năm nay. Nếu HTX nào nhanh nhạy trong chế biến và đóng gói sản phẩm thì dù đó là sản phẩm có nguyên liệu truyền thống nhưng đã được nâng giá trị, đổi mới qua cách nghiên cứu, chế biến, đóng gói hiện đại sẽ phù hợp trong tiêu thụ với số lượng lớn.

Việc đa dạng sản phẩm cũng chứng tỏ HTX có sự đầu tư trong nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng muốn hướng tới và thể hiện sự sáng tạo của chính HTX khi tận dụng, phát triển được những sản phẩm mới từ những nguyên liệu, nông sản thông thường.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, CEO Công ty TNHH SX TM DV Hương Đất cho biết để cạnh tranh với chính sản phẩm rau củ được chứng nhận VietGAP và hữu cơ, doanh nghiệp đã phải sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc theo hình thức từ từng luống rau đến tận bàn ăn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải mở rộng vùng nguyên liệu ở các địa bàn khác nhau để đa dạng sản phẩm, tránh phụ thuộc vào điều kiện khí hậu.

Doanh nghiệp còn thành lập thêm HTX chuyên về thảo dược. Các loại thảo dược được chế biến theo hình thức lên men như gừng, nghệ, tỏi, chanh, cam, tắc, bưởi, đẳng sâm… nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nhất là ở thị trường TP HCM.

Là một nhà phân phối bằng kênh hiện đại, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết rằng trong hệ thống siêu thị của tập đoàn ở Việt Nam hiện nay có đến 95% là hàng Việt Nam nhằm giữ văn hóa mua hàng của người Việt Nam. Nhưng nếu đó là sản phẩm tốt, nhất là sản phẩm OCOP, đã được đầu tư nghiên cứu, nâng giá trị và chứa đựng câu chuyện cốt lõi thì không chỉ thuận lợi trong thu hút khách hàng Việt Nam mà còn sẽ thuận lợi khi mang sang hệ thống siêu thị ở nước ngoài, nhất là sang hệ thống siêu thị của tập đoàn ở Thái Lan và cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng của Thái Lan.

Muốn đa dạng được sản phẩm, vị chuyên gia này cho rằng đơn vị sản xuất phải tìm hiểu thị trường, tìm hiểu khách hàng để tạo ra những sản phẩm riêng biệt, độc đáo. Chẳng hạn vì sao trong siêu thị ở nước ngoài hay có những túi đóng 4-5 quả chuối? Vì điều này phù hợp với số lượng người trong một gia đình, việc chi tiêu cũng hợp lý, từ đó giúp siêu thị bán chạy hàng hơn thay vì để cả nải chuối, với rất nhiều quả như tự nhiên.

Huyền Trang