Đà Nẵng dự đoán tăng trưởng 6,0 - 6,5% trong năm 2024

Ông Trần Văn Vũ chủ trì buổi họp báo.

Theo phân tích, trong mức tăng 2,58%, giá trị tăng thêm (VA) của khu vực dịch vụ tăng cao nhất với 4,10%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,05%, trong đó lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm 8,36% so với năm 2022. Quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022. Phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp 116 tỷ đồng (lĩnh vực xây dựng giảm 529 tỷ đồng). Điểm sáng khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu quy mô kinh tế năm 2023 của TP Đà Nẵng với 70,34%.

Lãnh đạo Cục Thống kê TP Đà Nẵng đánh giá, khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của thành phố, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19. Ước tính VA khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 4,10% so với năm trước. Trong đó một số ngành có tăng trưởng khá cao như hoạt động hành chính và dịch vụ phụ trợ tăng 41,79%; dịch vụ khác tăng 30,68%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,83%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 20,80%. Mặc dù vậy, một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện, tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, hai ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 29,28%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô-tô, xe máy giảm hơn 5,12%. Sự giảm sút của hoạt động kinh doanh bất động sản chủ yếu do ảnh hưởng từ sự đóng băng của thị trường, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn do siết chặt cho vay của các ngân hàng, dòng tiền vốn huy động của các doanh nghiệp yếu, việc thanh tra các dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và thanh khoản thị trường bất động sản làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu.

Du khách vui chơi giải trí tại TP Đà Nẵng.

Ở lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 15-12-2023, TP Đà Nẵng đã cấp mới 104 dự án với vốn đăng ký đạt 151,2 triệu USD; có 42 lượt dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm đạt 20,2 triệu USD; có 37 lượt nhà đầu tư vốn góp mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 10,7 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm sơ bộ cả năm đạt 185 triệu USD, giảm 37,8% so với năm 2022. Giai đoạn 2021 - 2023, số dự án cấp phép mới bình quân mỗi năm tăng 6,1%. Tuy nhiên, giá trị góp vốn FDI đạt thấp làm thu hẹp quy mô vốn FDI thực hiện trong năm 2023. Ước tính cả năm vốn FDI thực hiện từ phía đối tác nước ngoài đạt 125,4 triệu USD, giảm 43,8% so với năm 2022.

Cục Thống kê TP Đà Nẵng dự báo tăng trưởng GRDP năm 2024 của thành phố vẫn sẽ chưa bứt phá được như giai đoạn trước dịch COVID-19 và có thể sẽ tiệm cận ở mức 6-6,5%. Để đạt được mức tăng trưởng như dự báo, thành phố vẫn cần phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên nhiều lĩnh vực song song với giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực dịch vụ như dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ hành chính và hỗ trợ.

Ông Trần Văn Vũ đánh giá, năm 2023, mặc dù kinh tế có tốc độ tăng tương đối thấp (xếp thứ 54/63 địa phương), tuy nhiên Đà Nẵng đạt được một số kết quả tạo tiền đề trong năm 2024. Cụ thể, về mặt pháp chế đối với các quy định đang bị vướng, thành phố gần như đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi tạo tiền đề để triển khai thực hiện trong năm 2023-2024. Cùng với đó, trong 40 dự án đầu tư được ký kết, khả năng cao sẽ được thực hiện trong năm 2024 và 2025. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI.

Công Khanh