Đà Nẵng sớm phục hồi dòng chảy vốn đầu tư

Vốn đầu tư khu vực tư nhân thực hiện tại Đà Nẵng thời gian qua chủ yếu rót vào các dự án đang triển khai, rất ít dự án mới. (Trong ảnh: Một góc khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng).

Cùng thời điểm này năm trước, hoạt động đầu tư tại Đà Nẵng khá sôi động. Tuy nhiên năm nay, dòng vốn đầu tư thực hiện tại TP đã giảm sút mạnh. Qua 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện tại TP khoảng 22,8 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngoài nhà nước đạt 13,8 ngàn tỷ đồng (giảm 22,6%), vốn FDI đạt hơn 2,6 ngàn tỷ đồng (giảm hơn 40%), duy chỉ vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt hơn 6,3 ngàn tỷ đồng (tăng 2,4%) so với cùng kỳ. Động lực chính của khu vực này là các công trình, dự án đầu tư công, do vậy TP đã tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ cũng như khởi công dự án mới. Xuyên suốt kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh, các công trình, dự án động lực trọng điểm của TP vẫn được khẩn trương thi công và xây dựng. Qua đó, nhiều dự án có tiến độ thực hiện tốt như dự án Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng; dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu; dự án đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng… Đặc biệt, TP đã hoàn thành thủ tục, khởi công xây dựng dự án mới là Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có nguồn vốn lớn, hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Dự án có chiều dài gần 3km, mặt cắt ngang tuyến chính rộng 30m, quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km/h, sau khi hoàn thành sẽ trở thành tuyến giao thông chiến lược cho việc khai thác và xây dựng cảng Liên Chiểu, kết nối nhanh, an toàn với hệ thống giao thông quốc gia và giao thông đô thị trong khu vực; giảm các tác động tiêu cực đến an toàn giao thông, môi trường cảnh quan khu vực xây dựng cảng.

Tuy dòng vốn đầu tư công thực hiện có tăng trưởng nhưng do chiếm tỷ trọng không lớn nên tác động cho sự phát triển không nhiều. Nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước (tư nhân) chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn thực hiện trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay lại sụt giảm mạnh tới 22,6%. Nguồn vốn này chủ yếu rót vào triển khai các dự án đang thực hiện dang dở, rất ít dự án mới. Chẳng hạn như chủ đầu tư rót 100 tỷ đồng thực hiện dự án Quảng trường và công viên trung tâm khu đô thị FPT Đà Nẵng rộng 27 ngàn m2; rót vốn thực hiện dự án Nhà ở xã hội Bàu Tràm Lakeside, hiện đạt giá trị 1,3 ngàn tỷ đồng. Tương tự, nhiều dự án khác cũng tiếp tục công đoạn đầu tư như Căn hộ The Filmore; Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao của Công ty CP Dược Danapha; Khu Đô thị thương mại và Dịch vụ thể thao cao cấp New Town của Công ty TNHH Sân Gôn Vinacapital Đà Nẵng; Hầm rượu của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà…

Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, lãi suất cao, khó tiếp cận nguồn tài chính là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chững lại, không dám mạnh dạn rót vốn đầu tư vào các dự án mới. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang thực hiện lập quy hoạch các phân khu, nhưng tiến độ còn chậm; các vướng mắc về đầu tư, xây dựng, đất đai vẫn chưa được tháo gỡ, điều này cũng khiến nhiều dự án "mắc kẹt", chưa thể triển khai. Thống kê cho thấy, 9 tháng qua, Đà Nẵng cấp phép đầu tư cho 20 dự án mới tổng vốn hơn 7,4 ngàn tỷ đồng, trong đó có 12 dự án trong khu công nghiệp có tổng vốn đầu tư chỉ chiếm hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, có 82 dự án FDI được cấp mới nhưng tổng vốn đăng ký chỉ 11,8 triệu USD. Trong khi các dự án FDI mới với số vốn đăng ký đầu tư khiêm tốn, thì nguồn vốn FDI thực hiện tại Đà Nẵng từ đầu năm đến nay cũng sụt giảm mạnh tới 40,7%. Trong tổng số hơn 2,6 ngàn tỷ đồng vốn FDI thực hiện chủ yếu đến từ một số doanh nghiệp đẩy mạnh thi công các dự án để hoàn thành tiến độ cũng như mua sắm thêm tài sản cố định phục vụ sản xuất kinh doanh như Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam, Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng, Công ty TNHH ICT Vina.

Cảng Liên Chiểu là dự án đầu tư công lớn, động lực chính thúc đẩy nguồn vốn đầu tư khu vực nhà nước tại Đà Nẵng.

Trong thời gian qua Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để khơi thông dòng vốn đầu tư như đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu; thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công trọng điểm; điều chỉnh, bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án bất động sản... Tuy nhiên, do tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thu hút vốn đầu tư chưa đạt kỳ vọng, quy hoạch phân khu vẫn còn chậm… nên dòng chảy vốn đầu tư vẫn chưa được phục hồi.

HẢI QUỲNH