Đại biểu Quốc hội hiến kế để giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 trở nặng, tử vong

Bộ Y tế đã thực sự vào cuộc

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Phát biểu từ điểm cầu TP. HCM, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện dịch COVID-19 cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, bà Lan cũng đặt ra nhiệm vụ làm sao để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới và khắc phục được những hạn chế đã xảy ra.

Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng ngày 8/11, Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV.

Để hạn chế được tình trạng trở nặng, hạn chế ca tử vong và để thực sự sống chung với dịch bệnh đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng phải xem lại thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở.

Chưa có giai đoạn nào như giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Bộ Y tế rất vất vả, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo về pháp lý, hướng dẫn cho các địa phương mà thực sự Bộ Y tế cũng đã vào cuộc.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

Nữ đại biểu đoàn TP. HCM nêu quan điểm, về vấn đề y tế cơ sở, không phải chỉ có vấn đề về tiền mà nó còn vấn đề về nhân lực, làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết đủ để hoạt động tốt. Tại TP. HCM các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện thuộc quận, huyện trực thuộc Sở Y tế khiến lực lượng UBND các địa phương khó khăn trong việc điều phối lực lượng. Bà Phong Lan nhấn mạnh việc cần tập trung hơn về vấn đề y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn TP. HCM nêu quan điểm: "Chúng ta cho rằng COVID-19 thì nhà nước, ngân sách lo nhưng phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa có rõ ràng. Vì vậy, bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán. Đồng thời, đôi khi chúng ta bỏ quên lực lượng y tế tư nhân, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có được những cơ chế để tham gia phòng chống dịch".

Cuối cùng, nữ đại biểu kiến nghị, phải tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường để phát triển về y đức.

Tập trung nguồn lực, đầu tư cho ngành y tế

Nêu quan điểm của mình, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: Công tác dự báo tình hình dịch có lúc chưa sát với thực tiễn; công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian đầu đợt dịch lần thứ 4 có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo các tình huống cụ thể và đột xuất.

Từ những hạn chế, bà Bố Thị Xuân Linh kiến nghị, đề xuất với Chính phủ như đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch COVID-19; Chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại nghị trường.

Tập trung nguồn lực, đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho y tế cơ sở, rà soát điều chỉnh các chính sách cho lực lượng tham gia lực lượng phòng chống dịch.

Vị đại biểu đoàn Bình Thuận cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước. Chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 để đảm bảo an toàn khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý.

Với cương vị là Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Thuận, bà Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu có chính sách hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công nhân, viên chức các ngành các cấp nhất là cán bộ cơ sở do làm nhiệm vụ bị mắc COVID-19, những người hy sinh, tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo. Tiếp tục kiểm tra giám sát việc tổ chức các hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật với những trường hợp phát hiện có sai phạm. Xây dựng các quy định về biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào công tác phòng chống dịch và các hoạt động thiện nguyện.

Lê Bảo - Hoàng Dương