Triết gia định nghĩa về tài chính

Chẳng mấy chốc mà tôi tìm thấy được tài chính trong văn học, trong triết học, trong lịch sử và thậm chí là cả trong văn hóa đại chúng. Một khi đã bắt đầu tìm thấy những điểm tương đồng, tôi không thể dừng lại. Và tôi bắt đầu hiểu tại sao tài chính và những lĩnh vực nói trên lại có những mối dây mật thiết.

Nhiều người luôn ngờ vực thị trường, điển hình là thị trường tài chính, bởi vì thị trường được cho là đối nghịch với tinh thần nhân đạo, nhưng có thể quan điểm đó là ngược ngạo. Có thể tài chính có những liên kết khăng khít với căn tính của nhân loại chúng ta.

Như một ví dụ cho cái nhìn khác biệt này, nhà triết học Friedrich Nietzsche ghi lại rằng tất cả khái niệm về nghĩa vụ và bổn phận cá nhân đều được bắt nguồn từ “mối quan hệ lâu đời và sơ khai nhất giữa người với người, đó là mối quan hệ giữa kẻ bán và người mua, giữa chủ nợ và con nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Ở đây, lần đầu tiên một con người tiến tới đối mặt với một người khác và lần đầu tiên một con người so sánh mình với người khác. Những việc ra giá, đo lường giá trị, nghĩ ra những vật tương đương và tiến hành đổi chác, những việc này hằn trong tâm trí con người từ ý nghĩ đầu tiên đến mức mà theo một nghĩa nào đó thì nó chính là tư duy.

Dạng thức cổ xưa nhất của sự tinh khôn đã được sinh ra ở đây: [...] con người tự mô tả mình là một sinh vật biết thẩm định giá trị, biết định giá và đo lường, như là một ‘loài thú tự thân nó biết tính toán’”.

Thoát ra khỏi quan điểm thường gặp về sự đối lập giữa tài chính và thị trường với các giá trị nhân đạo, tôi quyết định viết một quyển sách với nỗ lực hợp nhất những điều trên. Sự hợp nhất này là cố gắng của bản thân tôi để làm cho tài chính trở nên tốt đẹp hơn và đưa nó đến được với số đông hơn.

Các chương tiếp theo có thể được đọc theo thứ tự bất kỳ. Nhưng quyển sách này được tổ chức một cách có chủ ý. Lý tưởng nhất là khi đọc cuốn sách này, độc giả như đang theo học một khóa học về tài chính một cách vô thức thông qua những câu chuyện, từ đó phát triển được những tư duy trực quan về tài chính.

Trong khi nhiều người đi so sánh tài chính với vật lý, một phép so sánh tốt hơn là giữa tài chính và sinh học. Có một phân ngành của tài chính cũng tập trung nghiên cứu những viên gạch xây dựng nền tảng của sự sống, giống như sinh học phân tử vậy. Phân ngành đó có tên là ‘định giá tài sản”.

Rồi lại có một phân ngành khác được gọi tên là “tài chính doanh nghiệp”, khá tương đồng với sinh học xã hội, vốn quan tâm nghiên cứu tất cả những tình huống và sự hỗn độn của thế giới mà chúng ta có thể quan sát tận mắt. Cuốn sách này đi theo một dàn ý được chia đại khái theo hai phân ngành này.

Ba chương đầu tiên xem xét câu hỏi nền móng trong phân ngành định giá tài sản: chúng ta ứng xử thế nào trước rủi ro hiện diện khắp mọi nơi trong thế giới? Trong lúc suy nghĩ viết cuốn sách này, tôi đã được nhắc lại về vai trò trung tâm của bảo hiểm trong tài chính và trong cả cách mà tôi nhìn nhận thế giới.

Vậy thì chương đầu tiên sẽ xây dựng nền móng của rủi ro và bảo hiểm, với sự giúp sức của bảng bi Francis Galton (quincunx), nhà văn Dashiell Hammett, triết gia Charles Sanders Peirce và nhà thơ Wallace Stevens.

Chương tiếp theo sẽ mở rộng logic của bảo hiểm sang hai chiến lược quản lý rủi ro chủ yếu: quyền chọn (options) và đa dạng hóa danh mục (diversification), mà vốn cũng là các chiến lược để đương đầu với bất định. Trong chương này, các tác gia Jane Austen và Anthony Trollope cũng như nhà triết học Hy Lạp Thales sẽ đảm trách phần công việc chủ yếu.

Sau khi đã xây dựng nền móng vững chắc cho rủi ro và bảo hiểm, chương tiếp theo sẽ giải thích tại sao rủi ro là tương ứng với lợi nhuận, và làm cách nào mối quan hệ này sẽ quyết định những điều kiện để kiến tạo ra giá trị trên thế giới. Ở đây, John Milton, Samuel Johnson và dụ ngôn về tài năng sẽ là những người hướng dẫn cho chúng ta.

Mihir A. Desai/NXB Trẻ