Đảm bảo hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro

Xác định 6 nhóm đối tượng áp dụng

Bộ Tài chính đề xuất xây dựng “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Tại đề xuất này, Bộ Tài chính nêu rõ phạm vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Các đối tượng áp dụng của Luật bao gồm: (i) Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; (ii) Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp đầu tư vốn; (iii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (iv) Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (v) Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp khác; (vi) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng đề xuất 6 nhóm chính sách. Cụ thể: Chính sách 1, về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp với mục tiêu xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ", bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Chính sách 2, về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nhằm quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp với mục tiêu tối đa hóa giá trị cho xã hội thông qua phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng.

Chính sách 3, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, quy định cụ thể, phân cấp rõ trong Luật để đảm bảo chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Việc đầu tư của doanh nghiệp thực hiện thống nhất trong Luật này và quy định rõ quy trình, trình tự được điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp so với pháp luật đầu tư hiện hành.

Chính sách 4, về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp và quy định rõ hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chính sách 5, về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn theo chức năng.

Chính sách 6, về quản trị doanh nghiệp. Tron đó, xác định một số nội dung về quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế. Nhà nước thực hiện tăng cường công tác giám sát đối với Tập đoàn kinh tế trong hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ.

Can thiệp đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

Để Bộ Tài chính đề xuất 7 hành vi bị cấm trong đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm: Một là, đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, thẩm quyền, phạm vi, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật. Hai là, can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ba là, thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bốn là, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Năm là, cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Sáu là, tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý Nhà nước không đúng quy định của pháp luật. Bảy là, vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng nêu rõ những nguyên tắc chung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, cần đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; công bố, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình theo quy định; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại doanh nghiệp được quản lý, theo dõi thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác được quản lý, theo dõi thông qua doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp thực hiện báo cáo, giám sát và kiểm tra theo quy định.

Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; Nhà nước thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn theo đúng phần vốn được đầu tư tại doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, việc sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục, theo cơ chế thị trường, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với hình thức, phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý.

Nguyên tắc tiếp theo trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp…

Thu Trang

Tạp chí in số tháng 9/2023