ĐBQH: Luật nên giao chính quyền TP Hà Nội được quyết định tăng thêm biên chế

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) góp ý vào các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung quyền hạn của chính quyền Thủ đô là cần thiết

Ngày 27/11, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) bày tỏ nhất trí việc luật hóa chính thức quy định không tổ chức HĐND phường ở TP à Nội như trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thực tế mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội (không tổ chức HĐND phường) được thực hiện từ ngày 1/7/2021 đến nay tương đối ổn định và phát huy hiệu quả. Bộ máy chính quyền Thủ đô thời gian qua hoạt động gọn nhẹ, thông suốt hơn, giảm tầng nấc, giảm thủ tục từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Thủ đô như trong Dự thảo Luật cũng cần thiết. Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 9 của Dự Luật quy định, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục, vị trí việc làm; quy mô dân số và thực trạng khối lượng công việc; mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc; đặc điểm an ninh chính trị, an toàn xã hội trên toàn địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP để đảm bảo các chi phí cho các biên chế tăng thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Việt Nga bày tỏ: "Theo tôi, đối với chính quyền Thủ đô quy định nội dung này là phù hợp. Bởi vì, hiện nay không chỉ riêng Thủ đô mà tại một số địa phương, việc giao biên chế, cơ quan có thẩm quyền cấp trên cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế lực lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, là trung tâm hành chính, kinh tế của cả nước, kéo theo đó là đòi hỏi về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức".

Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp tính theo số dân trên số biên chế công chức trung bình tại 63 tỉnh, thành phố là khoảng 686 dân/1 công chức; trong khi tại TP Hà Nội khoảng 1.016 người dân/1 công chức. Điều đó thể hiện phần nào áp lực khối lượng công việc của viên chức, công chức thủ đô đang phải đảm nhận. Do đó, việc giao cho chính quyền TP Hà Nội được quyết định tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức như trong Dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Việc tăng thêm này không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách của Trung ương hay của các địa phương khác vì đã được chi ở phần ngân sách của TP.

Đại biểu Việt Nga cũng tán thành quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật cho phép người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Điều này sẽ giúp cơ quan, đơn vị bổ sung kịp thời số lượng nhân lực còn thiếu và việc ký hợp đồng cũng đã được quy định là nằm trong khuôn khổ đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu, vị trí việc làm và trong khả năng cân đối của ngân sách. Đồng thời, giúp Thủ đô có nguồn nhân lực và các công việc sẽ được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; cán bộ, công chức giảm áp lực công việc và tạo môi trường cạnh tranh năng động, giảm tâm lý và sức ỳ của công chức, viên chức. Từ đó sẽ tăng tính hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước.

Tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 27) tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất

Đề xuất tăng "ít nhất 30-35%" số đại biểu chuyên trách

Về việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 95 đại biểu theo quy định hiện hành nên 125 đại biểu như khoản 2 Điều 9 dự thảo được đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá là phù hợp trong bối cảnh Thủ đô là một trong 2 địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước với tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức độ 1,4%/1 năm. Với số lượng 95 đại biểu HĐND TP hiện nay, theo báo cáo đánh giá tác động bình quân khoảng 105.000 người dân/1 đại biểu, tỷ lệ quá thấp so với bình quân chung của cả nước là 26.500 người dân/1 đại biểu. Tỷ lệ người dân trên/1 đại biểu quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tính đại diện, quyền lợi của cử tri và Nhân dân thủ đô. Mặt khác, nếu theo dự thảo Luật quy định không tổ chức HĐND phường ở TP thì việc tăng số lượng đại biểu HĐND ở cấp cao hơn sẽ góp phần tăng cường việc kiểm soát, giám sát quyền lực đối với chính quyền cấp dưới.

Đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND TP Hà Nội hoạt động chuyên trách lên cao hơn mức “ít nhất 25%” như trong Dự thảo Luật. Điều này cũng thống nhất với tinh thần chung của Quốc hội, là nâng dần tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên qua từng nhiệm kỳ. Tăng số lượng đại biểu Nhân dân hoạt động chuyên trách là xu thế tích cực, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử.

"Thực tiễn đã chứng minh, tỷ lệ đại biểu chuyên trách càng cao, thì chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND càng tăng. Do vậy, tôi để nghị nâng mức “ít nhất 25% số đại biểu hoạt động chuyên trách” của HĐND TP Hà Nội lên mức “ít nhất 30 hoặc 35%”-đại biểu Việt Nga nêu.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, tập trung đông dân cư, khối lượng công việc thuộc từng lĩnh vực tương đối đồ sộ, bên cạnh đó với số lượng đại biểu HĐND lớn (theo dự thảo quy định là 125 đại biểu) thì việc tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội tại khoản 3 điều 9 là cần thiết để đảm bảo việc chỉ đạo, theo dõi các hoạt động của HĐND theo từng lĩnh vực phụ trách, đồng thời giảm áp lực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của lãnh đạo HĐND TP.

Vân Hà