Để dòng vốn tỷ USD từ châu Âu tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit, trong thời gian gần đây, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện có khả năng phục hồi và linh hoạt. Một dấu hiệu quan trọng của điều này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của é Việt Nam về kế hoạch mở rộng trị giá 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam.

Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp

Trong khi đó, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), đánh giá trong bối cảnh toàn cầu đang có nhiều diễn biến bất ổn, bức tranh kinh tế tại Việt Nam tiếp tục có nhiều hứa hẹn. Với những cam kết cải cách đáng kể, sự tiến bộ kinh tế đã giúp cho các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu quan tâm tới thị trường Việt Nam (Ảnh: EuroCham).

Trong bối cảnh đó, năm 2024 hứa hẹn nhiều tiềm năng thuận lợi cho các dự án kinh doanh tại Việt Nam. Điều này được củng cố thông qua những tích cực mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại cũng như lập trường chủ động của Việt Nam hướng đến chuyển đổi bền vững cần thiết.

Theo Sách Trắng 2024 của EuroCham, kể từ khi ký kết EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào gần 2.250 dự án của Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã được chấp thuận đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhà máy ở Việt Nam không phát thải carbon, trong khi của Đức có 51 nhà cung cấp tại Việt Nam với hơn 190.000 nhân viên – minh chứng cho sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty EU tại Việt Nam.

Khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của EuroCham đã xác nhận xu hướng tăng này, với 31% thành viên chọn Việt Nam là một trong số ba điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023 – đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Sự bùng nổ đầu tư này cho thấy hiệu quả của các FTA trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và biến Việt Nam thành điểm đến chiến lược.

Đến nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với hơn 27,8 tỷ USD Mỹ được đầu tư vào 2.450 dự án trong ba thập kỷ qua, chiếm trên 60% trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản để phù hợp với trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi việc đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp trong nước cũng có thể là một thách thức.

Cải thiện hậu cần, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, cộng với việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững, đặt ra những trở ngại đáng kể mà nếu vượt qua được, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong phát triển chuỗi cung ứng xanh của châu Âu.

Đồng thời, 59% số doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho rằng những khó khăn về hành chính là thách thức chính của họ khi hoạt động tại Việt Nam. Những thách thức như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, các trở ngại trong việc xin phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những rào cản nổi bật.

Gỡ 'nút thắt' để khơi thông dòng vốn tỷ đô

Ông Gregory Charitonos, Chủ tịch Tiểu ban Thuốc Chất lượng quốc tế - Generic và Sinh phẩm tương tự (IQMED-G&B), mong muốn cơ quan chức năng ở Việt Nam xem xét gỡ bỏ những hạn chế đối với các doanh nghiệp dược phẩm có vốn đầu tư nước ngoài.

"Trọng tâm của chúng tôi nằm ở việc mở rộng quyền và sửa đổi các quy định đấu thầu để tăng cường tính hấp dẫn cho thị trường Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi ủng hộ các ưu đãi hỗ trợ sản xuất nội địa hóa các sản phẩm chất lượng cao, một biện pháp được thiết kế để thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao và kích thích đổi mới trong ngành”, ông Gregory Charitonos nói.

Để cải thiện thu hút FDI của Việt Nam, 58% số doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho rằng tinh giản bộ máy hành chính là giải pháp mấu chốt, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng bày tỏ lo lắng khi tới đây việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu có thể khiến cho các ưu đãi thuế mà các doanh nghiệp này đang hoặc sẽ được hưởng theo luật hiện hành có thể bị giảm hoặc mất đi hay không? Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tại Việt Nam của các Tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam do ưu đãi thuế là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.

Mặt khác, Chủ tịch EuroCham cũng nhìn nhận, dù niềm tin đầu tư vào Việt Nam rất lớn nhưng phải cân bằng sự lạc quan với thực tế. Năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng. Dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP nhưng môi trường kinh tế có thể sẽ không thuận lợi như trước năm 2020. “Chúng tôi dự đoán sẽ có những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được mà chúng tôi cần phải chú ý”, ông nói.

Vị Chủ tịch EuroCham cho rằng, khi Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt. Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai.

Trong thời gian tới, Việt Nam – EU có thể hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn và năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Các dự án kết nối cơ sở hạ tầng và tích hợp chuỗi cung ứng có thể tạo nên nền tảng cho các luồng đầu tư và thương mại bền vững. Tiến bộ trong quan hệ đối tác công tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mở ra thêm cơ hội hợp tác.

Lê Thúy