Để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vươn tầm quốc tế

Các đại biểu tham quan tìm hiểu gian hàng tại Saigon Co.op. Ảnh: Sơn Nam

Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự của mỗi quốc gia đã giới thiệu về mô hình các hợp tác xã mà họ đang hoạt động; đồng thời có những trao đổi, thảo luận làm rõ quan hệ hợp tác giữa các hợp tác xã, trong đó cụ thể là việc phải làm sao để gắn kết thông qua mạng lưới giao thương và tiêu dùng.

Theo ông Vũ Anh Khoa - Chủ tịch HĐQT Co.op, Saigon Co.op với tư cách là một đơn vị kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô lớn nhất Việt Nam, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc cùng tổ chức Liên minh Hợp tác xã quốc tế để thúc đẩy phong trào kinh tế tập thể ở Việt Nam và khu vực.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Anh Khoa, hội thảo khu vực của Liên minh Hợp tác xã quốc tế 2024 là cơ hội lớn để Saigon Co.op gặp và trao đổi các sáng kiến với các hợp tác xã trong và ngoài nước, là điều kiện thể hiện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm hỗ trợ phát triển phong trào hợp tác xã quốc tế. Đồng thời, sự kiện này góp phần đưa hàng Việt Nam, hàng hóa của các nước bạn có cơ hội giao thương trên cơ sở hợp tác giữa các hợp tác xã, thúc đẩy các hợp tác xã cùng lớn mạnh.

Liên quan đến thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như mô hình hoạt động của Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngành bán lẻ đang đóng góp 35% vào GDP Việt Nam nhưng tăng trưởng bán lẻ hiện nay vẫn đến từ kênh truyền thống.

Điều này cho thấy còn nhiều dư địa cho bán lẻ hiện đại. “Việt Nam đã có 16 năm liên tục tăng trưởng của thị trường bán lẻ và các hợp tác xã hãy tận dụng giai đoạn này để chiếm thị phần. Về phía Saigon Co.op rất sẵn sàng hợp tác với các hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương lẫn quốc tế để hỗ trợ kinh tế hợp tác xã ngày càng phát triển” - ông Đức khẳng định./.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp gần 4% GDP), vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình (hiện đang chiếm khoảng 30% GDP cả nước). Ở nhiều địa phương, nhiều hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Gia Cư