Để kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt trên 6% năm 2024

Theo chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – khu vực Nam Á và Đông Nam Á, sự phục hồi bền vững trong lĩnh vực sản xuất vẫn là động lực chính thúc đẩy kinh tế của Việt Nam.

Ông Alexander Böhmer - Trưởng ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cho biết: "Những khó khăn trong ngành xuất khẩu được dự báo sẽ giảm bớt vào năm 2024 khi kinh tế Mỹ và EU đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực tăng tiêu dùng nội địa cũng sẽ góp phần duy trì tăng trưởng trong những tháng tới. Đáng chú ý là chính sách giảm 2% thuế GTGT để kích cầu và chính sách gia hạn thị thực điện tử để thúc đẩy ngành du lịch vừa được Quốc hội thông qua."

Theo ân hàng thế giới (World Bank), chính sách tài khóa là yếu tố quan trọng nhất giúp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho đến thời điểm hiện nay. Và các nhà chức trách đang rất kỳ vọng vào việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết thêm: "Việc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả sẽ là yếu tố đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Do đó để thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn, điều cần tiếp tục làm là đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên trong dài hạn, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần lưu ý đến việc giải ngân vốn đầu tư công hướng đến chất lượng và tập trung vào những dự án có tính tác động lớn hơn."

Hướng kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt trên 6% năm 2024

Bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Một động lực tăng trưởng rất lớn cho Việt Nam đó là thúc đẩy đầu tư công. Chúng tôi có chung quan điểm này với Ngân hàng thế giới. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước, từ đó hỗ trợ đà tăng trưởng GDP trong ngắn hạn. Đồng thời cũng giúp đảm bảo các khoản đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng xanh và bền vững, đó là những yếu tố đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế trong dài hạn.”

Trước bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, trong đó nhấn mạnh bốn nhóm giải pháp lớn bao gồm: đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo phát triển; tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực; thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI.