Đề xuất cho phép giảm dần giới hạn cấp tín dụng đối với người có liên quan trong 5 năm

Nhiều vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh lý tại Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo báo cáo số 691/BC-UBTVQH15, một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.

ĐIỀU CHỈNH QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN

Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung 01 Chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng như: khái niệm về vốn điều lệ (khoản 14 Điều 4); doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng (Điều 145), Chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí (Điều 146), Phân phối lợi nhuận và các quỹ (Điều 148), trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ… Đối với Dự phòng rủi ro (Khoản 2 Điều 147), tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội chỉnh lý thành “Việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Chính phủ quy định”, thay vì Thống đốc ân hàng Nhà nước quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Tiếp thu ý kiến của ểm toán Nhà nước, Dự thảo đã bỏ quy định liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước tại khoản 1 Điều 168 của dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài các nội dung nêu trên, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định như: Thư tín dụng (khoản 25 Điều 4); Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép (Điều 27); Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của Tổ chức tín dụng (Điều 41); Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 43); Công khai, công bố thông tin (Điều 49); tổ chức tín dụng là hợp tác xã (Mục 6, Chương IV); Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 102); Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại (Điều 114); khái niệm và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (khoản 4 Điều 4 và Mục 3 Chương V); Xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm (Điều 143)… Đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 188, bỏ nội dung “lệ phí trước bạ” tại Điều 191 về thứ tự ưu tiên thanh toán; sửa đổi quy định chuyển tiếp tại Điều 202. Trong đó, bổ sung tại khoản 10 Điều 202 quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng.

CAN THIỆP SỚM TỔ CHỨC TÍN DỤNG KHI LỖ LŨY KẾ 15% THAY VÌ 20%

Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một cách kỹ lưỡng đối với các quy định liên quan đến can thiệp sớm, quản trị rủi ro ngân hàng; quy định can thiệp sớm như dự thảo Luật vẫn là chậm.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 3 tháng liên tục).

Đối với phương án thiết kế nội dung về can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt, có 02 phương án như sau.

Phương án 1: Giữ quy định tổ chức tín dụng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời; bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1.

Phương án 2: Kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP vì có một số trường hợp tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng tổ chức tín dụng này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (Điều 159), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng giai đoạn can thiệp sớm theo thông lệ quốc tế cũng như khuyến nghị của ân hàng Thế giới chủ yếu là biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng, không sử dụng nguồn lực của Nhà nước; không có sự tham gia hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác để tránh tác động lan truyền, lây lan, sẽ ảnh hưởng đến tổ chức tín dụng lành mạnh.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bỏ các biện pháp hỗ trợ tại Điều 159 Dự thảo Luật và chỉ quy định về các biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng (như tăng vốn điều lệ, cắt giảm chi phí hoạt động, không chia cổ tức, tăng cường quản trị rủi ro… quy định tại Điều 157 của dự thảo Luật); không quy định các biện pháp gián tiếp từ nguồn lực Nhà nước, biện pháp không bảo đảm nguyên tắc kế toán, phản ánh không đầy đủ, chính xác tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng (như biện pháp phân bổ lãi phải thu phải thoái mà Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 612/BC-CP).

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định cụ thể về sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng khác ở giai đoạn can thiệp sớm sẽ khiến các tổ chức tín dụng có tâm lý ỷ lại, thiếu thận trọng hơn trong hoạt động.

Bên cạnh đó, một số biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng hỗ trợ (như Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn tổ chức tín dụng hỗ trợ khi tổ chức tín dụng này hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm) thực chất là hỗ trợ bắc cầu đến tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; một số biện pháp dẫn đến phản ánh không đúng thực trạng tài chính của tổ chức tín dụng hỗ trợ, có thể gây ra rủi ro lan truyền trong hệ thống tổ chức tín dụng (như cho phép các khoản vay, tiền gửi tại tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; khoản nợ mua lại từ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được loại trừ khi áp dụng các hạn chế, giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng hỗ trợ …).

Công Minh