Đề xuất quy hoạch thêm 2 thành phố thuộc TP.HCM

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã trình bày dự thảo Báo cáo quy hoạch .HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù; đánh giá thực trạng phát triển và kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước cho thấy TP.HCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TP.HCM là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế TP.HCM tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Báo cáo xây dựng 3 kịch bản phát triển: phát triển theo xu hướng hiện tại; tháo gỡ, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công, phát huy tốt dư địa hiện tại của các ngành dịch vụ, kinh tế đô thị; xây dựng được các động lực tăng trưởng mới mang tính dẫn dắt từ các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tiên tiến.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn góp ý tại hội thảo.

Về phát triển không gian có hai kịch bản. Theo kịch bản 1, TP.HCM có 1 đô thị trung tâm (16 quận); 1 thành phố Thủ Đức - đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Theo kịch bản 2, TP.HCM có 1 đô thị trung tâm (15 quận); 1 Thành phố Thủ Đức - đô thị song hành và 3 đô thị vệ tinh: Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ.

Đơn vị tư vấn đánh giá, kịch bản 2 có nhiều ưu điểm: hình thành và phát triển 3 thành phố vệ tinh kiểu mới - đô thị đáng sống; với vai trò là các đô thị cửa ngõ phía Bắc, phía Tây và phía Nam của Thành phố trung tâm, đồng thời, có thể đảm nhiệm một số chức năng của đô thị trung tâm…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định kinh tế TP.HCM phải “xanh và số”. Từng ngành kinh tế phải có yếu tố mới, vượt trội, vượt bậc. Trong đó, ngành công nghiệp TP.HCM phải phát triển những ngành công nghiệp mới như vi mạch điện tử, chip bán dẫn, những ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; loại bỏ các ngành thâm dụng lao động trong định hướng phát triển để từ đó tạo ra giá trị mới, đột phá mới, động lực mới và đầu tàu mới cho cả nước. Về nông nghiệp đô thị TP phải hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao. Ngành dịch vụ TP phải là ngành chất lượng cao, kể cả y tế, giáo dục, du lịch, tài chính…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, liên kết là một giải pháp thực thi quy hoạch. Ngoài liên kết cứng phát triển hệ thống giao thông thì có liên kết mềm về không gian kinh tế, không giới hạn ở phạm vi địa giới hành chính, trong đó có định hướng phát triển, ưu tiên ngành phát triển; nghiên cứu và phát triển; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thương hiệu có tính định hướng cho cả vùng và các địa phương hướng tới phát triển xanh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan kết luận Hội thảo.

Về kịch bản phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tiếp thu ý kiến góp ý và đề nghị đơn vị tư vấn cùng các cơ quan liên quan cần làm rõ hơn những yếu tố tạo ra tăng trưởng, lưu ý các chính sách, công trình, dự án có tính đột phá.

Đồng chí Võ Văn Hoan thống nhất về 5 quan điểm phát triển, 9 tiêu chí của thành phố toàn cầu và đề nghị đơn vị tư vấn cần phải lượng hóa và cần lưu ý “xanh và số” phải phủ hết tất cả các ngành, các lĩnh vực. Trong đó, cần quan tâm 3 yếu tố cơ bản để tạo ra phát triển xanh là chính sách xanh; tiêu chí phát triển xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực; mô hình thực hiện tăng trưởng xanh. Đồng thời, đề nghị trong dự thảo quy hoạch cần làm rõ hơn yếu tố môi trường như quy hoạch xử lý chất thải, đốt rác phát điện… Qua hội thảo, TP.HCM sẽ tổ chức họp cả hai hội đồng về tư vấn và phản biện về quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch kinh tế - xã hội để thảo luận, thống nhất nội dung.

M.Hiệp