Đề xuất thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới từ năm học 2025 - 2026

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình GDMN. Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình GDMN 2009 (được ban hành theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2016, 2020) đã triển khai được 14 năm (từ 2009 đến 2023).

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình GDMN

Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá về Chương trình và việc thực hiện Chương trình GDMN (vào các năm 2016, 2020 và 2021) cho thấy, Chương trình GDMN hiện hành có nhiều ưu điểm như: Chương trình khung, có tính chất mở; đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ, hướng đến sự phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho trẻ phát triển, thực hiện ở tất cả các cơ sở GDMN trên phạm vi cả nước; bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông với chương trình giáo dục phổ thông; giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”; quy định những nội dung giáo dục áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non, đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở GDMN, giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ em mầm non, cũng như điều kiện của địa phương, của cơ sở GDMN.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, Chương trình hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chưa thể hiện rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập quốc tế và quan điểm tiếp cận văn hóa, liên/đa văn hóa để phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, cộng đồng nơi trẻ em sinh sống và thích ứng, hòa hợp đa văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp, đa dạng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương và những giá trị truyền thống của Việt Nam; chưa quan tâm thỏa đáng đến các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại và hội nhập quốc tế…

Đặc biệt là chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng như yêu cầu về Chương trình GDMN được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, quy định về quyền trẻ em tại Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và những cam kết thực hiện các công ước quốc tế của Chính phủ.

Để khắc phục những hạn chế của Chương trình GDMN hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ-TW, các quy định pháp luật hiện hành và những cam kết quốc tế, việc đổi mới Chương trình GDMN là hết sức cần thiết.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức đánh giá việc thực hiện Chương trình GDMN hiện hành; tổng quan chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về đổi mới Chương trình GDMN; nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế về đổi mới Chương trình GDMN. Cùng đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thử nghiệm một số nội dung mới, hoàn thiện dự thảo Chương trình GDMN mới và thẩm định Chương trình GDMN mới trước khi thí điểm.

Từ căn cứ trên, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới ở một số cơ sở GDMN . Thời gian thực hiện thí điểm từ năm học 2025 -2026 đến năm học 2027 - 2028.

Để bảo đảm chất lượng thực hiện Chương trình thí điểm, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung xây dựng tài liệu, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về việc thực hiện chương trình; hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi và đội ngũ giáo viên…

Kinh phí thực hiện đổi mới Chương trình GDMN do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội. Bộ GD&ĐT cũng đề xuất ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới Chương trình GDMN.

Từ kết quả thí điểm, Bộ GD&ĐT dự kiến thực hiện đại trà Chương trình GDMN mới trên phạm vi cả nước từ năm học 2029 - 2030.

Nội dung đổi mới tập trung vào:

- Tiếp cận năng lực định hướng tình cảm - xã hội. Chương trình được đổi mới theo tiếp cận năng lực hướng đến hình thành các giá trị cốt lõi và năng lực chung, dựa trên trục tình cảm - xã hội. Tiếp cận năng lực được thể hiện qua mục tiêu, nội dung của Chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ; được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

- Tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em; quan tâm thể hiện quan điểm tiếp cận hòa nhập, công bằng, bình đẳng và tôn trọng trẻ, vấn đề giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, vấn đề phát triển ngôn ngữ (lưu ý tiếng mẹ đẻ) trong xây dựng và phát triển Chương trình GDMN.

- Khẳng định mạnh mẽ hơn quan điểm giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, xem trẻ em là chủ thể trong hoạt động và giao tiếp, trẻ chủ động học qua chơi và trải nghiệm, nhà giáo dục là "người hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục".

- Liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới.

- Tăng cường tính "mở" của Chương trình.

- Bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình GDMN mới, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng. Gia đình là một đối tác quan trọng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, mọi vấn đề trong giáo dục trẻ em cần và phải thu hút, huy động sự tham gia của gia đình vào cùng giải quyết với nhà trường. Yêu cầu thực hiện Chương trình làm cơ sở để các địa phương và nhà trường có chính sách huy động nguồn lực, sao cho vừa bảo đảm trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm quyền trẻ em và bảo đảm quyền của cán bộ quản lý và giáo viên theo Luật Lao động.

T.P