Doanh nghiệp dần chuyển mình thích ứng với xu hướng kinh doanh trực tuyến

Cơ hội tiếp cận các xu hướng kinh doanh trực tuyến

Sáng ngày 30/11, ệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn tiếp thị trực tuyến tại Hà Nội với chủ đề Diễn đàn tiếp thị trực tuyến “VietNam online Marketing Forum-VOBF”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thông tin, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, nhằm kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, diễn đàn VOBF 2023 nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được tiếp cận các xu hướng kinh doanh trực tuyến nói chung và lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến, được tham gia tương tác kết nối với những doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp kinh doanh online, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu khai mạc

Diễn đàn VOBF 2023 cũng giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành hoặc sắp sửa đổi, những thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng xuất khẩu trực tuyến.

"Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, VECOM ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD" - ông Nguyễn Ngọc Dũng cho hay.

Diễn đàn VOBF 2023 nhằm giúp các doanh nghiệp kết nối với những doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp kinh doanh online, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến.

Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chỉ ra, dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử có thể kể đến là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, cần định hướng để thương mại điện tử có thể phát triển một cách bền vững hơn. Từ đó, giúp thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng vững chắc, dài hạn trong thời gian tới.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam

Để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bền vững, chia sẻ tại diễn đàn, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, cần chú trọng đến nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.

Trong nhiều năm qua, có khoảng 70% quy mô thương mại điện tử bán lẻ vẫn tập trung ở hai đầu tàu trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, có 61 tỉnh thành còn lại là nơi tập trung nhiều dân số, cơ hội giao thương lớn và đặc biệt là có nguồn cung ứng hàng hóa đa dạng, chất lượng nhưng chưa được thúc đẩy phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có.

Thương mại điện tử xanh đi kèm với tốc độ phát triển nhanh, thương mại điện tử cũng dần bộc lộ một số tác động chưa tốt tới môi trường. Chính vì vậy, cần nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử đi kèm với bảo vệ thiên nhiên môi trường, hướng tới một nền thương mại điện tử xanh.

Bà Hà cũng chỉ ra, xét về lĩnh vực xuất nhập khẩu, đây được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động hậu Covid-19 và những hệ lụy kéo theo, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng chịu nhiều tác động lớn, đặc biệt khi việc di chuyển kết nối giao thương bị hạn chế càng tác động tiêu cực hơn tới quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành.

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã năng động ứng dụng các giải pháp kinh doanh online thông qua thương mại điện tử, mở rộng kênh tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước với mức chi phí thấp và hiệu quả cao.

"Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành thời gian vừa qua" - bà Hà nói.

Nhiều sinh viên quan tâm đến các ứng dụng chuyển đổi số

Đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp số hiện nay, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Việt Nam cho biết, những năm 2000 trở về trước, các công ty đứng đầu thế giới đa phần là những công ty về năng lượng, bán lẻ… Chỉ 10 năm sau, gần 80% doanh nghiệp Top 4 hàng đầu thế giới đều là những công ty công nghệ, như Facebook, Apple…

Tại Việt Nam, hơn 10 năm qua, chúng ta đã nhìn thấy những taxi truyền thống, nhưng hiện đang dần bị taxi công nghệ thay thế, những chợ truyền thống thì có các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppee.

Theo đó, từ con số thực tế được ông Đỗ Hữu Hưng chỉ ra, những doanh nghiệp như Facebook, Google doanh thu cỡ vài trăm tỷ USD nhưng lợi nhuận khoảng 40%, ngược lại với những công ty bán hàng truyền thống, doanh thu có thể vài ngàn tỷ nhưng lợi nhuận chỉ vài %.

"Điều này cho thấy, một cuộc đua chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra và trong tương lai không xa, các doanh nghiệp công nghệ sẽ chiếm lĩnh được thị phần trên các sàn chứng khoán" - ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn

Giải pháp đồng bộ cho doanh nghiệp

Từ dẫn chứng này, ông Đỗ Hữu Hưng chỉ ra, để chuyển đổi số trong bán hàng, doanh nghiệp cần phải có giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là cần những cái giải pháp số, trong đó cần những đơn vị đồng hành và đặc biệt là một đội ngũ chuyên gia, tức là những người kiến trúc sư xây dựng doanh nghiệp số để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều thứ hai, ngoài việc đầu tư công nghệ thông tin, cần nâng cao các vấn đề về hạ tầng và quan trọng hơn là nhận thức về mặt chiến lược, tầm nhìn. Điều cuối cùng là năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu một cách bền vững.

Đề cập thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Huy - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Pencil Group - tổ hợp truyền thông và công nghệ hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu và truyền thông bày tỏ, để đứng vững trên thị trường, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

"Tăng trưởng thương hiệu như trồng cây, muốn bền vững và lớn nhanh thì cần có cái gốc từ văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là rễ cây, từ đó có được hạt giống cho thương hiệu là triết lý phát triển sản phẩm dịch vụ" - ông Huy nêu quan điểm.

Tại diễn đàn, các diễn giả cũng chia sẻ những góc nhìn chuyên gia về thị trường tiêu dùng online và đánh giá về những xu hướng hay thị trường xuất khẩu tiềm năng. Cùng đó là các vấn đề về các xu hướng xuất khẩu B2B hoặc B2C hiện nay; giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung và xuất khẩu trực tuyến.

Đỗ Nga