Khủng hoảng ngành hàng không: Khi David hóa thành Goliath

Trong đời thực, Giovanni Caproni vẫn làm máy bay chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh thế giới, ông cũng làm máy bay dân dụng cho mục đích thương mại và bay không bao giờ chỉ là bay, cũng như mọi thứ khác, nó có mặt trên đời còn bởi nó đang thủ một vai trên sân khấu kinh tế lớn rộng này. Song, ngay cả khi tiền bạc nhúng tay vào, sự bay cũng vẫn không mất đi vẻ lãng mạn, quả cảm, tự do, thách thức và khoáng đạt - những dòng suối giấc mơ khởi nguồn của nó.

Một năm qua là “năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không”, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới. Số kilomet hành trình của toàn bộ hành khách trên thế giới đã giảm 65,9% so với năm 2019 và doanh thu chỉ còn 40%. Những chiếc máy bay đồ sộ như những con mãnh thú bị xích chân, những cỗ máy tung hoành trên bầu trời giờ này nằm yên như những nàng công chúa ngủ trong rừng không biết đến khi nào mới có một nụ hôn giải cứu.

Hình ảnh sân bay vắng hoe như một thị trấn ma.

Các hãng hàng không rơi vào nguy khốn, phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản. Cơn khủng hoảng không chừa một ai, từ những hãng hàng không lớn nhất Australia và Nam Mỹ đến những hãng hàng không của các quốc gia đang phát triển ở châu Phi và Đông Nam Á, từ những ông lớn cả trăm tuổi đến những ngôi sao mới nổi trên đường băng. Hơn tất cả mọi ngành khác, cú ngã ngựa của ngành hàng không là cú đánh chí tử vào niềm tự hào của con người trên tư cách bá chủ trái đất.

Giấc mơ bay nhiều ngàn năm

Chúng ta đã luôn ước mơ được bay. Các triết gia ngôn ngữ hiện đại nhận ra rằng trạng thái lên cao, theo quy ước ngôn ngữ, thường là để ám chỉ những điều tốt hơn. Nhiều cách dùng từ ta cứ ngỡ là tự nhiên, kỳ thực đều chứa ẩn dụ về định vị lên - xuống. Chẳng hạn, để tả niềm vui, ta sẽ nói “tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng”, “chuyện này nâng tinh thần tôi dậy”, “tinh thần tôi đang lên cao”, còn khi buồn thì ta nói: “anh ta đang suy sụp”, “tôi rơi vào nỗi chán chường”, “tôi thấy xuống tinh thần quá”. Nó đến từ cơ sở thực tế rằng dáng vẻ ủ rũ thường đi với sự chán nản, còn dáng vẻ thẳng đứng thường đi cùng cảm xúc tích cực Theo “Chúng ta sống bằng ẩn dụ”, tác giả George Lakoff và Mark Johnson.

Để ta thấy rằng, “bay” đương nhiên là tột cùng của những thứ tốt đẹp. Những vị thần tiên từ Đông sang Tây đều biết bay. Phần thưởng cho người tốt khi chết đi là được bay lên thiên đường. Người Maori cổ tin rằng con diều bay là thiên sứ và thả diều là cách kết nối với thần linh. Thần thoại nền văn hóa nào cũng đầy rẫy sự kiện bay lên trời: Hy Lạp có Icarus bay qua biển, Trung Quốc có Hằng Nga bôn nguyệt, Ba Tư có đấng tối cao Ahura Mazda với đôi cánh lớn, châu Phi có người anh hùng Kibaga bay lên ném đá tiêu diệt kẻ thù, Ảrập có Aladdin với chiếc thảm bay. Ngay cả những nhà giải mộng cũng cho rằng việc nằm mơ thấy mình đang bay phản ánh một cuộc sống tự tại đã được cởi bỏ mọi xiềng xích và lề lối.

Bởi vậy mà buổi sáng giá lạnh ngày 17-12-1903, khi hai anh em Wilbur và Orville Wright cất cánh trên chiếc phi cơ 2 lớp cánh ở thị trấn Kill Devil Hills (Những Ngọn Đồi Diệt Quỷ), một miền đất cằn ở Bắc Carolina, đó là giây phút trọng đại của nhân loại, tích tụ giấc mơ bay được ấp ủ bởi hàng triệu triệu con người đã sinh ra và chết đi dù họ là vĩ nhân thông tuệ như Leonardo da Vinci hay dân đen tăm tối mà bộ nhớ lịch sử đã xóa sạch không dấu tích, hay nói cách khác, đó là giây phút hiện hữu hóa một niềm ước ao thuộc về vô thức tập thể.

Chiếc máy bay đi quãng đường hơn 36 mét trong vòng 12 giây rồi lao xuống đất, những con số nhỏ nhoi ngắn ngủi vô kể nhưng là khởi đầu của hàng vạn dặm và hàng tỷ giờ chinh phục không trung của con người. Vị phóng viên đầu tiên đưa tin về câu chuyện này kể lại rằng ông đã nghe một người địa phương tán dóc về “hai thằng Yankee điên khùng ở Kitty Hawk cố gắng học bay và họ muốn ăn một ít hàu Lynnhaven trước khi bỏ mạng”. 2 năm sau, hai kẻ khùng điên ấy đã thực hiện một chuyến bay kéo dài 40 kilomet.

Người khổng lồ khuỵu ngã

“Chúa của những cỗ máy/ Chim cắt sắt biết bay/ Người nghĩ là Satan/ Xin gửi lời tri ân/ Đến với chuyến bay này/ Xin cảm ơn, cảm ơn/ Anh em nhà Wrights nọ/ Từng bị cười nhạo như/ Cậu bé Darius Green ở/ Dayton, quê nhà họ”, nhà thơ nổi tiếng Robert Frost từng viết một bài thơ ca ngợi công lao của hai nhà phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên trong lịch sử.

Không có lời thán tụng nào là tâng bốc với những gì mà anh em nhà Wrights và những kỹ sư hàng không thế hệ sau đã làm được. Chiến công chống lại được cái lực hút đáng nguyền rủa cầm tù đôi chân ta trên mặt đất xứng đáng được xếp ngang hàng với kỳ công giết mãng xà 7 đầu của Hercules. Chinh phục bầu trời là mũ miện cho trí thông minh thắng vượt tất cả của con người. Bởi, nếu bay ta còn có thể làm được thì có gì ta không làm được nữa?

Thần sáng tạo Ahura Mazda trong Bái hỏa giáo được tưởng tượng đứng trong đôi cánh lớn.

Sau nhiều thập niên, máy bay được đại chúng hóa và bình thường hóa. Từng có thời hãng hàng không giá rẻ AirAsia chọn slogan là “Giờ đây, ai cũng có thể bay”, cho thấy việc bay không còn là đặc quyền của tầng lớp nào. Cảm giác được nhấc lên khỏi mặt đất có thể đã không còn mang lại cơn kích động hưng phấn như khi anh em nhà Wrights lần đầu cất cánh nhưng hãy nhìn những đứa trẻ con khi chúng lần đầu được ngồi máy bay, sự hớn hở của những tâm hồn bé bỏng ngây thơ ấy cho thấy sâu trong bản chất của nhân loại, bay có ý nghĩa lớn lao và mầu nhiệm tới thế nào.

Rồi bất thình lình, bay lại trở thành xa xỉ, vì một loài virus. Cách một kẻ thù bé nhỏ vô hình quật ngã những vật thể phi thường như máy bay tựa như David chiến thắng gã khổng lồ Goliath. Trong truyện kể của người Do Thái, David nhỏ bé đã chiến thắng chỉ bằng cách ném một hòn sỏi nhỏ vào trán Goliath trong khi Goliath thua liểng xiểng dù trong tay có cả thanh kiếm lớn.

Cũng như vậy, cỗ máy của con người, như thanh kiếm của Goliath, dù tinh xảo đến mấy đi chăng nữa, cũng không thể tinh ranh bằng một loài virus, trí tuệ sơ đẳng nhất của tự nhiên. Giống như mọi truyền thuyết từ xưa đến nay, nơi ngỡ là mạnh nhất lại luôn có điểm yếu chí tử (“Những phẩm chất dường như mang lại sức mạnh thường là nguồn gốc của sự yếu nhược”) và ngành hàng không - hiện thân cho bộ óc phi thường của nhân loại, công cụ của cả hòa bình và chiến tranh - lại là điểm dễ bị tổn thương nhất khi kẻ thù “ngoại bang” tấn công.

Nhớ đến trong lịch sử tự nhiên, 65 triệu năm trước loài khủng long đã tuyệt chủng bởi cơ thể to lớn của chúng không thể thích nghi với môi trường sống thay đổi đột ngột. Trong khi đó, những động vật có vú bé nhỏ như chuột lại tìm được nơi ẩn nấp để dần sinh sôi, phát triển và chiếm lĩnh, biến nghĩa địa khủng long thành vương quốc của mình. Nếu không có sự kiện ấy thì cũng không có con người hôm nay. Và điều đó dạy cho ta điều gì?

Có lẽ là, to lớn đôi khi là một bất lợi, thậm chí một điểm yếu chết người. Nhân loại đã phình ra quá to trong thời gian quá ngắn, cùng với đó là sự kiêu ngạo được thổi phồng như trái bóng bay và sẽ gây ra vụ nổ tung bất cứ lúc nào. Căn bệnh béo phì thừa cân của lòng tự tôn làm ta trở nên ì ạch hơn, trì trệ hơn và ngã ngựa trước hòn sỏi nhỏ của kẻ thù tí hon.

Điều đáng suy ngẫm là, trong suốt lịch sử, con người vẫn thường coi David là hiện thân của mình, nhỏ bé nhưng đầy niềm tin, chúng ta là David chiến thắng vũ trụ Goliath. Nó hẳn đã từng đúng. Hình ảnh anh em nhà Wrights cưỡi gió đạp mây chắc chắn là hình ảnh của David bé nhỏ chinh phục bầu trời rộng mở. Nhưng, đến một ngày, David lớn phổng lên và ta không còn nhìn được toàn bộ kích thước bản thân mình nữa. Kinh khủng nhất không phải là đối mặt với Goliath, kinh khủng nhất là David đã hóa thành Goliath và có lẽ đây mới là ngụ ngôn mới trong thời đại chúng ta.
Hiền Trang