Doanh nghiệp mong kéo dài thời gian cho vay

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hoàn tất giải ngân trước hạn

Theo yêu cầu của ân hàng Nhà nước, thời điểm 30.6.2024 sẽ hoàn tất giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất thấp hơn tối thiểu 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, gói tín dụng đã hoàn thành giải ngân cho trên 6.000 lượt khách hàng. Tốc độ này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản là rất lớn; đồng thời cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản đã tạo cú huých cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn Nguồn: Báo Đầu tư

Tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm - thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức mới đây, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận, gói tín dụng này đã thành công không chỉ ở yếu tố thời gian mà cả về hiệu quả.

Ông Nam nhắc lại đúng một năm trước, lạm phát toàn cầu cùng với nhu cầu tiêu thụ ở nhiều nước sụt giảm khiến xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp trong ngành. Rất may, trên cơ sở đề xuất của hiệp hội, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, trong đó thủy sản chiếm tới 74%. Đến nay, gói tín dụng này đã thực sự là cú huých cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và phát triển, ông Nam nói.

Còn đối với các công ty trong ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ Trịnh Đức Kiên xác nhận, năm 2023 thực sự khó khăn do thị trường sụt giảm, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng xuất khẩu cũng như doanh thu giảm tới 30 - 40%. Bên cạnh đó, khó khăn do hoàn thuế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn hàng tỷ đồng, làm mất cân đối dòng tiền. Trong bối cảnh đó, nhờ có gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn, trụ vững.

Ngân hàng thương mại cần cân nhắc đề xuất của doanh nghiệp

Trên cơ sở kết quả thực hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô lên thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại.

Để triển khai hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị, cần quán triệt tới tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình. Bởi lẽ, trên thực tế khi triển khai gói 15.000 tỷ đồng, tại một số phòng giao dịch, nhân viên không biết đến gói tín dụng này.

Cùng với đó, các ngân hàng cần xem xét để linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ, điều kiện tiếp cận vốn; đồng thời, xem xét nâng mức cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lên 50% trong tổng gói vay cho ngành thủy sản, thay vì chỉ khoảng 25 - 27% của 12.000 tỷ đồng trong gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Khi tăng đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ kích cầu, kéo các khâu nguyên liệu lên, tức người nông dân, ngư dân chăn nuôi, đánh bắt thủy sản sẽ được hưởng lợi.

Vui mừng khi gói tín dụng cho ngành lâm, thủy sản được bổ sung tăng lên 30.000 tỷ đồng, ông Trịnh Đức Kiên đề xuất các ngân hàng xem xét gia tăng thời hạn cho các khoản vay của doanh nghiệp trong ngành. Bởi lẽ, hiện lượng tồn kho tăng lên, nếu yêu cầu doanh nghiệp ngành gỗ 3 - 5 tháng phải đảo nợ sẽ rất khó khăn. “Bây giờ, nếu có một khoản vay với lãi suất thấp hơn 1 - 2% so với khoản vay có thời hạn 9 tháng thì chúng tôi sẽ chọn khoản vay 9 tháng vì nó thiết thực hơn”, ông Kiên chia sẻ.

Cũng theo ông Kiên, 97 - 98% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, tài sản bảo đảm chỉ có máy móc và hàng tồn kho, không có nhiều kênh khác như bất động sản. Do vậy, các ngân hàng cần xem xét để có cơ chế cho vay linh hoạt hơn, có thể dựa trên lượng hàng tồn kho hoặc theo hợp đồng mà doanh nghiệp ký kết được, thay vì yêu cầu có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, ngân hàng có thể xem xét để tăng tỷ lệ tín dụng của doanh nghiệp vay vốn dựa trên uy tín của họ.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là một trong những vấn đề được Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm. Đối với đề xuất tăng hạn mức cho vay, cho vay dựa trên hàng tồn kho…, ông Tú cho rằng, đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại, vì thế các ngân hàng cần xem xét trên tinh thần đồng hành, thấu hiểu cùng doanh nghiệp; khi ngân hàng thấu hiểu doanh nghiệp sẽ ra quyết định sát hơn, đúng hơn.

Song song với đó, các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng phòng giao dịch, nhân viên để nắm được chủ trương, trên cơ sở đó bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng này. Nếu hết 30.000 tỷ đồng, tôi sẵn sàng đề xuất 45.000 tỷ đồng, thậm chí 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, Phó Thống đốc cam kết.

Đan Thanh