Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần những chính sách về công nghệ phù hợp

Các SME truyền thống đã được thành lập và hoạt động lâu dài. Sản phẩm của họ thường được tiêu chuẩn hóa. Chủ sở hữu và người quản lý của các doanh nghiệp này thường là những người có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, họ vẫn gặp khó khăn về nhiều mặt, như các vấn đề mới phát sinh trong quản lý nội bộ, khả năng tiếp thị, khả năng công nghệ, khả năng tiếp cận mạng lưới tri thức và khả năng tiếp cận tài chính.

Ngược lại, các công ty khởi nghiệp cũng là các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng mới thành lập, ít kinh nghiệm hơn. Sản phẩm của họ thường có tính đổi mới, nhưng có thể không được chấp nhận rộng rãi ở các thị trường lâu đời. Họ phải đối mặt với những rủi ro to lớn và sự không chắc chắn cả về công nghệ và thị trường. Chủ sở hữu của họ, những người cũng có thể là người đổi mới, có ý tưởng đổi mới và trình độ công nghệ cao, nhưng họ thường thiếu kỹ năng quản lý và sự hiểu biết về thị trường.

Do những khác biệt đó nên chính sách hỗ trợ hai loại hình SME này sẽ khác nhau.

Chính sách công nghệ thúc đẩy nguồn cung

Khuyến khích việc xác định, tiếp thu và áp dụng các công nghệ toàn cầu. Để cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp cần ứng dụng các công nghệ để đảm bảo sản phẩm được sản xuất hiệu quả (với chi phí thấp) và đáp ứng các tiêu chuẩn về thiết kế và chất lượng, để hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường nước ngoài hoặc với người mua định hướng xuất khẩu. Sự hỗ trợ của Chính phủ có thể được cung cấp để tìm kiếm và xác định công nghệ, sau đó hỗ trợ chi phí mua và điều chỉnh chúng cho phù hợp với nhu cầu của SME.

Sử dụng chuyên gia công nghệ để phân bổ ưu đãi. Đơn xin trợ cấp, khoản vay và các ưu đãi khác phải được đánh giá đúng đắn bởi các chuyên gia hiểu biết về công nghệ và đổi mới. Nếu không, tiền hỗ trợ sẽ rơi vào việc áp dụng và phát triển công nghệ không mang tính khả thi. Những chuyên gia này phải là kỹ sư hoặc các nhà khoa học, và việc họ có kinh nghiệm trong khu vực tư nhân sẽ có lợi nhằm đảm bảo các khoản trợ cấp sẽ được điều chuyển đúng hướng.

Thực tế tại Việt Nam, vấn đề đang gặp phải là việc xác định rủi ro của doanh nghiệp và công nghệ mà doanh nghiệp định đầu tư để điều chuyển nguồn đầu tư mang tính rủi ro tương thích lẫn có căn cứ phù hợp để kêu gọi đầu tư. Thời gian qua, hoạt động giải ngân trong nước hạn chế là do việc đánh giá rủi ro kinh doanh chưa được giải quyết hợp lý. Chẳng hạn, những dự án công nghệ mới không thể dùng vốn ngân hàng thông thường (vốn mang tính đại chúng và được quản lý chặt chẽ) mà cần nguồn vốn chuyên biệt từ các quỹ chuyên biệt của Chính phủ hay quỹ đầu tư mạo hiểm.

Giảm sự cô lập về công nghệ bằng cách cung cấp thông tin cụ thể theo ngành. Các SME ở Việt Nam nhìn chung bị tách biệt khỏi tiến bộ công nghệ và thiếu thông tin ở các quốc gia khác về tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực của mình. Nếu Chính phủ có thể cung cấp thông tin đó cho các SME thì sẽ rất có lợi cho họ.

Khó khăn này có thể được giải quyết thông qua các hoạt động kết nối và trao đổi thông tin của các công ty đổi mới trên thế giới bằng việc tổ chức các diễn đàn đối thoại, diễn đàn quốc tế hoặc các hội chợ, triển lãm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Việc giao lưu như thế giúp doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp công nghệ hiện có hoặc thành lập liên minh với doanh nghiệp khắp thế giới nhằm nghiên cứu, cho ra đời các giải pháp công nghệ mới.

Chính sách công nghệ theo nhu cầu

Dùng chính sách để khuyến khích các SME trang bị công nghệ tốt hơn. Một yếu tố quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là tạo ra một môi trường mà doanh nghiệp có ý tưởng tốt sẽ được thị trường tưởng thưởng thông qua chính sách bằng sáng chế, chính sách chống độc quyền và các chính sách khác.

Những chính sách này tạo ra một môi trường, trong đó những người đầu tư vào việc học tập và áp dụng các công nghệ tốt hơn sẽ được trả công xứng đáng. Những chính sách này có thể nằm ngoài phạm vi của chính sách công nghệ thông thường, mà là một chính sách đặc biệt, vì chúng cực kỳ quan trọng. Động lực để doanh nghiệp có yêu cầu công nghệ tốt hơn sẽ bị giới hạn nếu các công ty chỉ thịnh vượng bằng cách đánh cắp công nghệ hoặc nếu các công ty lớn có thể sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các công ty nhỏ. Thị trường công nghệ cần được vận hành cởi mở cùng với cường độ cạnh tranh cao nhất nhưng vẫn cần sự hỗ trợ hợp lý nhằm kích thích doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới thường xuyên.

Thúc đẩy hoạt động mua sắm của Chính phủ đối với các sản phẩm và dịch vụ của SME. Chính sách công nghệ theo nhu cầu, theo nghĩa hẹp, cũng có thể là một giải pháp mang tính khả thi khác. Chính quyền trung ương và địa phương có thể mua hàng hóa và dịch vụ từ các SME với một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như đáp ứng các ngưỡng công nghệ quy định hay cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn những chức năng hiện có. Điều quan trọng là, thông qua mua sắm công, có thể tạo ra thị trường ban đầu cho những đổi mới có thể không được thị trường tư nhân chấp nhận dễ dàng do tính chất rủi ro cao và tính không chắc chắn cao của những đổi mới đó. Về bản chất, mua sắm công mang lại cơ hội “kinh doanh đầu tiên” cho các doanh nghiệp đổi mới thử nghiệm những đổi mới của mình. Loại cơ hội này đôi khi còn có ý nghĩa đối với doanh nghiệp hơn bất kỳ hỗ trợ tài chính nào từ Chính phủ.

Chính phủ có thể kích thích thị trường “tư nhân” chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ đổi mới. Những sáng kiến này có thể bao gồm dán nhãn, xúc tiến thị trường và cung cấp trợ cấp hoặc thuế ưu đãi cho người mua sản phẩm đổi mới hoặc người áp dụng các quy trình đổi mới. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng với các khoản trợ cấp như vậy, ở thị trường tư nhân cũng như mua sắm công, vì giải pháp này có nguy cơ hạn chế cạnh tranh và gây ra các tiêu cực và các doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào xung đột với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới về mua sắm Chính phủ.

Hỗ trợ tiếp thị hàng hóa và dịch vụ của SME. Chính phủ cũng có thể giúp tạo ra thị trường cho các sản phẩm của các SME không có nguồn lực để tiếp thị. Hỗ trợ có thể được cung cấp để giúp tiếp thị các sản phẩm của SME tới các khu vực khác của một quốc gia và tới các quốc gia khác. Thực tế, các nền kinh tế lân cận Việt Nam như Malaysia, Singapore hay Đài Loan, Hàn Quốc có các chương trình hỗ trợ rất lớn cho các SME để các doanh nghiệp này tiếp cận các đối tác lớn trong nước lẫn nước ngoài. Các SME của Đài Loan đặc biệt thành công trên thị trường thế giới như một nhà thầu phụ đáng tin cậy do những nỗ lực kết nối của Chính phủ vùng lãnh thổ này với các đối tác lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phan Đình Mạnh