Dồn dập bán hết tài sản, Hoàng Anh Gia Lai đã xóa hết bao nhiêu nợ?

Ngày 30/12/2023, HAGL bất ngờ thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần tại CTCP Bapi àng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL.

Bapi Hoàng Anh Gia Lai được thành lập vào đầu năm 2022 với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Đây là liên doanh giữa HAGL và Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á. Trong đó, HAGL góp 27,5 tỷ đồng để chiếm 55% vốn điều lệ tại công ty con.

Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của HAGL đã thu hẹp xuống 44,5% tính đến cuối quý 2, sau khi công ty thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa Bapi Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành công ty liên kết của HAGL.

Chỉ vài ngày trước đó, HAGL thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần, tương đương 99% tỷ lệ sở hữu tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần để trả nợ gốc trái phiếu 2016.

Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai có trụ sở tại đường Lê Duẩn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, là bệnh viện đa khoa được thành lập dựa trên sự hợp tác của hai thương hiệu lớn: Bệnh viện ĐHYD TP HCM và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Hiện nay, bệnh viện có 11 Khoa Nội Trú, 6 Phòng chức năng và 20 Phòng khám chuyên khoa.

Để trả nợ lô trái phiếu trên, HAGL cũng từng bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 đường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng cách đây vài tháng.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được biết đến là khách sạn tiêu chuẩn bốn sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, nằm ngay quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, hoạt động từ cuối năm 2005, công suất 117 phòng. Bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai mới thành lập từ ngày 20/6.

HAGL lần lượt bán công ty con, công ty liên kết để trả nợ.

Tại Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư chiều 15/12, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: "Ưu tiên số 1 của HAGL là trả nợ. Chúng tôi nỗ lực tháng 6/2024 sẽ xóa lỗ lũy kế, năm 2026 sẽ trả hết nợ và trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động".

Bầu Đức thông tin thêm, 2 năm trước, công ty không thể vay ngân hàng. Đến nay nhiều ngân hàng tìm đến HAGL để cho vay nhưng HAGL không vay: "Tôi đã làm việc với 1 ngân hàng để đàm phán trả nợ trước hạn. Điều này khẳng định quyết tâm trả nợ của HAGL".

Từng bước thu hẹp quy mô, HAGL giảm nợ vay

Nỗ lực xử lý nợ là điều có thể thấy được trên báo cáo tài chính kiểm toán của HAGL những năm gần đây. Tuy nhiên, sự đánh đổi của doanh nghiệp nhà bầu Đức cũng là rất lớn. Nhiều năm qua bầu Đức liên tiếp "sang tay" công ty, cổ phần, toàn bộ dự án tại Myanmar, mảng thủy điện...

Lớn nhất trong số này là việc "bán" HAGL Agrico (HNG) - công ty thành viên lớn nhất trong hệ sinh thái cho Thaco năm 2020.

Hiệu quả ngay sau đó là việc tổng nợ phải trả giảm 50% từ mức trên 27.200 tỷ còn gần 13.800 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đây vẫn được đánh giá là "nước đi" đúng đắn của ban lãnh đạo HAGL giúp tình hình kinh doanh của công ty báo lãi sau thuế 128 tỷ đồng ngay trong năm 2021 (năm trước đó lỗ gần 2.400 tỷ).

Doanh nghiệp nhà bầu Đức đang hiện hữu việc báo lãi năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi không còn là công ty mẹ của HAGL Agrico. Trong 9 tháng năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu 5.044 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 710 tỷ, lần lượt tăng 45% và giảm 10% so với cùng kỳ. Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết năm 2023, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng nhưng con số đạt được có thể lên tới 2.150 tỷ đồng.

Năm 2024, lãnh đạo HAGL dự tính xây dựng kế hoạch lợi nhuận cốt lõi cao hơn 2023 khoảng 25% trở lên, thậm chí có thể vượt lợi nhuận đột biến khi kỳ vọng sản lượng chuối và sầu riêng tốt hơn.

Về nguồn vốn, năm 2016, tổng nợ phải trả của HAGL ghi nhận đỉnh điểm tới hơn 36.000 tỷ đồng trong đó trên 26.600 tỷ đồng là vay nợ tài chính. Đến cuối quý 3/2023, con số này còn khoảng 7.800 tỷ đồng. Theo số liệu vừa được ông Đức tiết lộ, tại thời điểm giữa tháng 12, công ty chỉ còn nợ khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 22.000 tỷ so với mức đỉnh điểm năm 2016.

Trong cơ cấu vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn của HAGL đến cuối quý 3/2023, chiếm chủ yếu vẫn là trái phiếu doanh nghiệp, vốn ngân hàng. Đi cùng với gánh nặng vay nợ là chi phí tài chính lớn.

Ngày 30/9, thuyết minh báo cáo tài chính thể hiện chi phí lãi vay HAGL phải trả là 4.794 tỷ đồng sau 9 tháng.Các ngân hàng là chủ nợ của HAGL bao gồm Eximbank, Ngân hàng liên doanh Lào - Việt, Sacombank, TPBank.

Trong thông báo mới nhất của HAGL, ngày 12/12, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai - một công ty con của Hoàng Anh Gia Lai - đã thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng cho Eximbank để tất toán khoản vay từ năm 2014.

Như vậy, tổng số tiền lãi doanh nghiệp này được ngân hàng miễn giảm là 1.424 tỷ đồng, bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi.

Trước đó, một thông tin chuyển động tại HAGL cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là cái bắt tay giữa bầu Đức và bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy - chủ tịch HĐQT LPBank) hồi tháng 10 vừa qua.

Đến ngày 29/11, Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức công bố danh sách nhà đầu tư chiến lược mới trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu. Tham gia chính yếu là một số cái tên trong hệ sinh thái của bầu Thụy.

Trong đó, CTCP Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (4,73% sau phát hành), còn Tập đoàn Thaigroup sẽ mua 52 triệu cổ phiếu (4,92%).

Tại hội nghị diễn ra hôm 15/12, cổ đông bày tỏ lo lắng nhóm nhà đầu tư mới có thể thâu tóm Hoàng Anh Gia Lai. Bầu Đức đã trả lời, ai thâu tóm được Hoàng Anh Gia Lai cứ làm, nếu có thì tốt cho cổ đông và cổ đông cũng đừng lo lắng chuyện đó.

Anh Nhi